Thanh lọc thực phẩm bẩn trong dịp Tết

Thanh lọc thực phẩm bẩn trong dịp Tết
Các tiểu thương chợ Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thực hiện nghiêm túc việc không buôn bán thực phẩm bẩn. Ảnh: Thanh Thủy -TTXVN
Các tiểu thương chợ Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thực hiện nghiêm túc việc không buôn bán thực phẩm bẩn. Ảnh: Thanh Thủy -TTXVN

* Những thông tin liên quan đến việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Với chức năng quản lý và bảo vệ thị trường, Tổng Cục Quản lý thị trường đã, đang thực hiện những biện pháp gì nhằm góp phần duy trì thị trường thực phẩm sạch cho người dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019?

- Thời gian trước, trong các dịp lễ, Tết, tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu thường diễn biến phức tạp. Điều này gây những tác động xấu đến sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội, đến đời sống nhân dân và sức khỏe cộng đồng.

Thị trường vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản...không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại.

Hơn nữa, việc sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng,  bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đúng với công bố chất lượng. Đồng thời, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn diễn ra, nhất là của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ tại các chợ tạm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư tập trung...

Do vậy, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước chú trọng dự báo tình hình, theo dõi sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc.

Cụ thể như các mặt hàng rượu, hương liệu, chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến; ngăn chặn gia cầm, thịt gia súc gia cầm và phụ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và các thực phẩm có sử dụng chất cấm không rõ nguồn gốc và các thực phẩm có sử dụng chất cấm, đã phát hiện, xử lý kịp thời đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.

Hơn nữa, lực lượng chú trọng kiểm tra, ngăn chặn các hành vi lợi dụng Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để trà trộn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng vào tiêu thụ.

Đặc biệt địa bàn, khu vực tập trung kiểm tra, kiểm soát là các cửa khẩu, hai bên cánh gà cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại, các chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

Trong thị trường nội địa, tập trung kiểm tra tại các tỉnh, thành phố lớn; các thị xã, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ga, bến xe, nơi phát luồng hàng hóa và các điểm thường xảy ra việc tập kết, trung chuyển hàng lậu, hàng cấm.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường đã tham gia với Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tại Ninh Thuận, Bình Thuận và Đoàn kiểm tra liên ngành tại Tp. Hồ Chí Minh và Tây Ninh nhằm đôn đốc kiểm tra các hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp tại địa phương. Cùng đó, kiểm tra việc lập kế hoạch và triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm, thanh tra kiểm tra an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2019.

* Việc chỉ đạo các địa bàn trọng điểm và phối hợp với lực lượng chức năng trong việc kiểm tra kiểm soát thị trường trong đợt Tết Nguyên đán diễn ra thế nào thưa ông?

- Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Mặt khác, tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cũng như các hình thức kinh doanh thông qua công nghệ số... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Không những thế, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hoá và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn. Hơn nữa, tăng cường quản lý giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu quả giải quyết công việc; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý kiên quyết không có “vùng cấm”.

Đáng lưu ý, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết như: thực phẩm; bánh kẹo; mỳ chính (bột ngọt); rượu, bia, nước giải khát; đồ gia dụng; hàng tiêu dùng;... các loại hàng hoá giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố.

* Xin ông cho biết về việc siết chặt quản lý cụ thể từng mặt hàng như bánh mứt kẹo, rượu, thuốc lá, thực phẩm tươi sống. Đồng thời, để công tác kiểm soát quản lý hàng hoá dịp trước trong và sau Tết tốt hơn, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất kiến nghị gì xung quanh lĩnh vực này?

- Do đây là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người tiêu dùng đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường là kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng lưu thông trên thị trường, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm những mặt hàng như bánh mứt kẹo, rượu, thuốc lá, thực phẩm tươi sống.

Chính vì thế, nhiệm vụ thường xuyên liên tục của lực lượng là chú trọng kiểm tra, giám sát từ nguyên liệu đầu vào của khâu sản xuất cho đến quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, để việc kiểm soát quản lý hàng hoá dịp trước trong và sau Tết tốt hơn, Tổng cục Quản lý thị trường kiến nghị cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời.

Ngoài ra, cần phối hợp chặt hơn cùng các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân về kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm để người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi, chủ động tích cực trong việc tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm để phòng ngừa chung và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Uyên Hương (thực hiện)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm