Thanh Hóa phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới

Thanh Hóa phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới

Các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới. Qua đó,nhiều tập thể, cá nhân điển hình với những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả đã xuất hiện, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của chương trình. Người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Để triển khai hiệu quả, trong buổi sinh hoạt Chi bộ, Chi ủy các chi bộ luôn xác định, có “Dân vận khéo” thì việc xây dựng nông thôn mới mới thành công. Từ đó tại các cuộc họp ở khu dân cư, cán bộ, đảng viên trở thành tuyên truyền viên tích cực giúp nhân dân hiểu và đồng thuận.

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là “cái gốc” trong xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Triệu Thành đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả thành các vùng chuyên canh riềng, đào cảnh, cây ăn quả... Hiện toàn xã có 362 hộ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần đa dạng hóa cây trồng, đưa giá trị ngành trồng trọt chiếm tới 67% trong cơ cấu kinh tế địa phương.

Thanh Hóa phát huy hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới ảnh 1 Bộ đội biên phòng giúp nhân dân xã Yên Khương, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa gặt lúa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Tận dụng lợi thế đồi rừng, nhân dân xã Triệu Thành đã phát triển mạnh chăn nuôi nông hộ với gần 600 con trâu, bò, hơn 4.000 con lợn, khoảng 12.000 con gia cầm, hơn 250 đàn ong, đưa giá trị ngành chăn nuôi của xã đạt hơn 30 tỷ đồng (năm 2021). Ngoài 170 ha đất rừng sản xuất chuyên trồng keo làm nguyên liệu giấy, xã còn có hàng trăm ha đồi rừng chuyên trồng luồng, mía đỏ, cây ăn quả, chè... đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 51 triệu đồng/năm.

Anh Hà Hữu Xuyên, thôn Bình Phương, xã Triệu Thành cho biết, nhờ sự đồng thuận của nhân dân, mặc dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn nhưng đến cuối năm 2021, xã đã về đích và được công nhận chuẩn nông thôn mới. Các tuyến đường thôn, xóm được cứng hóa, khang trang, sạch sẽ, thuận lợi cho giao thương nên nhân dân rất phấn khởi…

Ông Lê Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành chia sẻ, để hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khối dân vận xã quán triệt, triển khai đồng bộ kế hoạch, hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến 10/10 tổ dân vận của xã. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện sâu rộng phong trào ở các khu dân cư với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực. Việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần đổi mới trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Người dân biết chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 5,5%.

Tân Phúc là xã thuộc vùng khó khăn của huyện miền núi Lang Chánh. Xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Tân Phúc gặp không ít trở ngại. Với quan điểm công tác dân vận phải đi trước một bước, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới".

Theo báo cáo của UBND xã Tân Phúc, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới ở địa phương là 92,8 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 48,8 tỷ đồng (chiếm 52,5%) để xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang xây dựng nhà ở khu dân cư. Con số trên khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống dân vận ở xã Tân Phúc trong việc khơi dậy sức dân để xây dựng nông thôn mới.

Ông Lê Văn Hạnh, thôn Tân Thành, xã Tân Phúc chia sẻ, trước đây, tuyến đường phục vụ sản xuất của thôn là đường đất nhỏ. Việc đi lại, sản xuất của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những ngày có mưa đường trơn trượt. Với nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, Chi bộ, Ban công tác Mặt trận và Tổ dân vận thôn đã vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường, đóng góp ngày công lao động bê tông hóa tuyến đường. Tuyến đường phục vụ sản xuất hoàn thành không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thôn Tân Thành mà còn góp phần nâng cao chất lượng, mức độ hoàn thành tiêu chí giao thông ở xã Tân Phúc.

Không riêng xã Tân Phúc, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị trên địa bàn huyện Lang Chánh tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”. Trong hơn 10 năm qua, nhân dân huyện Lang Chánh đã đóng góp hơn 30 tỷ đồng, hiến khoảng 5 ha đất cùng hoa màu và 70.500 ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn. Nổi bật toàn huyện đã làm hơn 40km đường giao thông nông thôn, gần 20km đường điện chiếu sáng tại các thôn, bản; xây mới 8 công sở xã, 10 trung tâm văn hóa - thể dục thể thao xã; sửa chữa, làm mới 25 nhà văn hóa thôn.

Ngoài các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lang Chánh còn xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Tiêu biểu mô hình “Cụm an toàn về an ninh trật tự” tại xã Quang Hiến, “Liên gia tự quản” tại xã Tân Phúc, “Thôn tự quản về phòng, chống ma túy” ở xã Yên Khương, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”...

Có thể nói, với nhiều cách làm sáng tạo, các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã thực sự lan tỏa sâu rộng ở cơ sở và gặt hái được “quả ngọt”. Qua đó, không chỉ làm đổi thay diện mạo của vùng nông thôn mà còn đóng góp tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác giảm nghèo của địa phương…

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm