Sau hơn 10 năm thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo, tỉnh Lai Châu đã vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn từng bước xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Đột phá trong công tác dân vận
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc với 20 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 85%. Với địa bàn rộng, kết cấu hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận thông tin đại chúng còn hạn chế nên trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số thấp, kéo theo kinh tế chậm phát triển.
Nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận, Lai Châu đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; chú trọng đổi mới công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước gắn với chức năng nhiệm vụ ở các cấp, ngành, địa phương. Tỉnh ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.
Ông Lò Văn Cương, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu cho hay, dân vận là cụ thể hóa đường lối của Đảng đến cơ sở, huy động sức mạnh trong nhân dân để phát huy nội lực. Qua đó, tỉnh thường xuyên vận động, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống bằng việc thông qua hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Giai đoạn 2016-2020, Lai Châu có trên 5.200 tập thể, cá nhân điển hình xây dựng mô hình dân vận khéo. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có hơn 1.800 tập thể, cá nhân; lĩnh vực văn hóa xã hội có hơn 2.200 tập thể, cá nhân, còn lại là trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị.
Hàng nghìn mô hình dân vận khéo đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế, đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tỉnh đã vận động người dân đóng góp trên 52.200 ngày công lao động, hiến gần 184.350 mét vuông đất và hơn 14 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn; xây dựng, củng cố và duy trì 696 tổ tự quản về an ninh trật tự với các mô hình dân vận khéo tiêu biểu như “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ hòa giải”, “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự, “Tổ bảo vệ Đường biên, mốc giới”, “Xã không có tệ nạn ma túy”...
Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng tỉnh từng bước được đầu tư, hoàn thiện, với hơn 1.100 công trình được xây dựng mới và duy tu, bảo dưỡng. Lai Châu hỗ trợ trên 600 dự án phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 40,4% năm 2016 xuống còn 20,12% cuối năm 2019; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 18,2 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 41,7 triệu đồng/người/năm (năm 2020).
Nông thôn khởi sắc
Về miền đất gió Than Uyên, dọc trên các tuyến đường, bản làng của huyện, đâu đâu cũng thấy hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,1 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,98%.
Tới thăm Pha Mu - xã đặc biệt khó khăn của huyện Than Uyên. Toàn xã có 5 bản, với gần 200 hộ gia đình đồng bào dân tộc Thái, Mông sinh sống. Năm 2009 bắt tay thực hiện phong trào dân vận khéo, xã gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu; người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên và trồng các loại cây kém hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trước thực trạng này, Đảng ủy xã Pha Mu đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho năng suất cao. Tuy nhiên, khi mới triển khai, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do bà con đã quen với tập quán canh tác cũ và một số cán bộ, đảng viên còn lúng túng trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng. Do đó, việc huy động sức dân còn hạn chế.
Ông Hoàng Phi Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pha Mu phấn khởi cho biết, nhận thấy mô hình dân vận khéo là một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Pha Mu chú trọng và quyết liệt thực hiện tổng thể xây dựng mô hình dân vận khéo. Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân lựa chọn các cây, con giống có năng suất chất lượng cao. Đến nay, xã có các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả như trồng quế, canh leo, chuối và chăn nuôi đại gia súc theo quy mô trang trại, gia trại.
Từ việc thực hiện phong trào dân vận khéo, bộ mặt nông thôn của xã đã thay da đổi thịt. Đời sống của người dân trên địa bàn xã Pha Mu được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người dự kiến năm 2021 đạt 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%.
Anh Lò Văn Mặc, dân tộc Thái, ở bản Chít, xã Pha Mu nhờ sự tuyên truyền vận động của cán bộ xã, anh mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang chăn nuôi gia súc với 16 con trâu, bò và dê. Cùng với đó, anh kết hợp trồng quế đã mang lại thu nhập ổn cho gia đình. Anh Mặc chia sẻ, từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mỗi năm gia đình anh có thu nhập hơn 60 triệu đồng từ chăn nuôi và 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Trước đây trồng lúa, ngô chỉ đủ ăn, không có dư giả, nhưng nay có thêm thu nhập, cuộc sống cũng ổn định hơn.
Bên cạnh việc khuyến khích người dân phát triển kinh tế, xã cũng tăng cường vận động bà con xây dựng nông thôn mới, tự nguyện hiến đất, góp ngày công lao động làm đường bê tông. Mặt khác, xã tuyên truyền bà con xây dựng đời sống văn hóa gắn với việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, xã xây dựng 16/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2021 đạt chuẩn nông thôn mới.
Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, thời gian tới Lai Châu tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận; tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc, các nghị quyết, đề án của tỉnh theo quan điểm lấy “dân làm gốc”. Mọi chủ trương chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân, đảm bảo hài hòa, lợi ích của nhân dân với Nhà nước; tăng cường sự đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Việt Hoàng - Đinh Thùy