Thanh Hóa phấn đấu không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại vùng cao

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025" nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, tiến tới xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra tại các huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh.

vna_potal_thanh_hoa_day_lui_nan_tao_hon_hon_nhan_can_huyet_thong_tai_vung_cao_7300573.jpg
Em Hà Thị Sùi (sinh năm 1998), bản Lách, xã Mường Chanh, huyện biên giới Mường Lát kết hôn khi chưa đủ tuổi, hiện đã có 2 con. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Nguyên nhân là do nhiều địa phương còn chưa chủ động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động. Các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhiều nơi chưa bị xử lý. Tại vùng biên giới, phong tục hứa hôn hiện đang còn. Ở một số bản Mông, người dân còn quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm cho con để có nhân lực làm nương rẫy.

Vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 6 huyện có xã miền núi, 174 xã, 1.551 thôn, bản, khu phố với 7 dân tộc gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Năm 2023, huyện biên giới Mường Lát có 50 cặp tảo hôn. Đây là huyện có nhiều người dân tộc Mông sinh sống và trình độ dân trí thấp. Để hạn chế tình trạng này, UBND huyện đã tuyên truyền đến người dân về nếp sống văn hóa, kế hoạch hóa gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn đã giảm và không còn hôn nhân cận huyết thống.

Sinh ra và lớn lên tại bản Lách (xã Mường Chanh, huyện biên giới Mường Lát), em Hà Thị Sùi (sinh năm 1998) cho biết: "Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ em đã đi rừng hái lượm để kiếm sống. Năm 2014, em kết hôn với chồng là anh Lương Văn Sơn (sinh năm 1997), sau đó sinh 2 con gái. Cuộc sống gia đình luôn gặp khó khăn, vất vả, số tiền kiếm được từ sản xuất nông nghiệp không đủ lo cho gia đình. Việc tảo hôn đã khiến em phải nghỉ học để sinh con và không có việc làm ổn định, cuộc sống rất khó khăn".

vna_potal_day_lui_nan_tao_hon_hon_nhan_can_huyet_thong_tai_vung_cao_thanh_hoa_7300564.jpg
Em Hà Thị Sùi (sinh năm 1998), bản Lách, xã Mường Chanh, huyện biên giới Mường Lát kết hôn khi chưa đủ tuổi, hiện đã có 2 con. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Em Vi Thị Vân (thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát) chia sẻ: "Học hết lớp 10, em phải nghỉ học. Năm 2014, dù chưa đến tuổi nhưng em đã kết hôn với anh Hà Văn Lợ. Sau khi sinh 2 con, em ở nhà làm nông nghiệp. Do sống tại khu vực biên giới nghèo, việc làm không có nên chồng em phải đi xuất khẩu lao động". Nói về mục tiêu thời gian tới, em Vân cho biết, mình sẽ làm thêm nhiều nghề như: chăn nuôi, bán hàng để kiếm thêm thu nhập nuôi con.

Theo ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, đơn vị đã chỉ đạo Trạm y tế các xã, thị trấn tham mưu chính quyền địa phương, thành lập câu lạc bộ tuyên tuyền, nâng cao vai trò cộng đồng trong hôn nhân cận huyết, tảo hôn. Nhờ đó những năm gần đây, việc tảo hôn trên địa bàn đã giảm. Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2020 - 2024, Thanh Hóa có khoảng 425 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết. Trước tình trạng này, Ban Dân tộc đã tổ chức 41 hội nghị tuyên truyền, phát hành 9.015 cuốn sổ tay, 44.970 tờ gấp tuyên truyền về việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết sẽ tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản; đồng thời vi phạm pháp luật về hôn nhân.

vna_potal_thanh_hoa_day_lui_nan_tao_hon_hon_nhan_can_huyet_thong_tai_vung_cao_7300568.jpg
Em Vi Thị Vân (phải), thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát học hết lớp 10 đã nghỉ học và kết hôn khi chưa đủ tuổi. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo bà Tô Minh Nguyệt, Phó Trưởng phòng Chính sách và Tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa) khẳng định, thời gian tới, Ban sẽ hướng dẫn các huyện đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, tập trung vào đối tượng vị thành niên trước độ tuổi kết hôn, để nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và hậu quả của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phát tài liệu về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, biên soạn tài liệu về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để cấp cho các thôn, bản.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc sẽ in ấn, phát hành các sản phẩm truyền thông với nội dung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, các vấn đề liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình điểm tuyên truyền nhằm giảm thiểu tình trạng này. Tỉnh phấn đấu khi kết thúc đề án sẽ không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại vùng dân tộc thiểu số.

Nguyễn Nam - Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm