Thanh Hóa cần sớm có phương án chống sạt lở khu vực chân núi Thiều

Đất, đá tảng trên núi sạt trượt xuống khu vực chân núi làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Đất, đá tảng trên núi sạt trượt xuống khu vực chân núi làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Khoảng 2 năm trở lại đây, khu vực chân núi Thiều (thôn Thiều Xá 2, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện các vết sạt lở dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn tính mạng người dân trong khu vực, nhất là đang thời điểm mùa mưa bão. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Hậu Lộc sớm có phương án xây kè bảo vệ để khắc phục tình trạng sạt lở núi này, tuy nhiên tới nay vẫn chưa thực hiện được.

Thanh Hóa cần sớm có phương án chống sạt lở khu vực chân núi Thiều ảnh 1Đất, đá tảng trên núi sạt trượt xuống khu vực chân núi làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Khu vực chân núi Thiều, thuộc thôn Thiều Xá 2, trong những năm trở lại đây liên tiếp bị sạt lở. Trên vách núi thẳng đứng và không có taluy, dốc đứng 60 độ này có vết sạt trượt dài từ đỉnh núi xuống chân núi. Nhiều tảng đá lớn nằm trên núi đang tiềm ẩn và có nguy cơ đổ sập, lăn rơi xuống chân núi bất cứ lúc nào. Hiện, có nhiều đất, đá tảng trên núi đã sạt trượt xuống khu vực chân núi, làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân.

Thanh Hóa cần sớm có phương án chống sạt lở khu vực chân núi Thiều ảnh 2Đá tảng rơi từ trên núi xuống nhà dân. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Theo người dân sống dưới chân núi, đã có nhiều đoàn đến kiểm tra. Ngoài ra, khu vực này trước đây đã bị khai thác đất làm 3 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và 4 hộ khác ảnh hưởng gián tiếp khi thiên tai xảy ra và đá lăn từ chân núi vào sát nhà.

Thanh Hóa cần sớm có phương án chống sạt lở khu vực chân núi Thiều ảnh 3Đất, đá tảng trên núi sạt trượt xuống khu vực chân núi làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Bà Nguyễn Thị Định (thôn Thiều Xá 2) cho biết, gia đình sống ở đây đã lâu, vào mùa mưa bão, hay bị sạt lở đất đá làm các thành viên trong gia đình luôn bất an. Bà mong các đơn vị hữu quan sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở này.

Thanh Hóa cần sớm có phương án chống sạt lở khu vực chân núi Thiều ảnh 4Nhiều đất, đá tảng trên núi sạt trượt xuống khu vực chân núi làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ông Vũ Minh Tâm (xã Cầu Lộc) khẳng định: Thời gian qua, đất đá trên núi rơi xuống nhà đã làm thiệt hại nhiều tài sản của gia đình. Hơn nữa, đá tảng to như gian phòng cứ rơi xuống ngày càng nhiều. Mỗi khi mưa lớn, gia đình ông luôn phải đề phòng và sẵn sàng sơ tán nếu có tiếng động lớn trên núi. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh, huyện cũng xuống họp dân để lên phương án khắc phục, nhưng đến giờ chưa thấy triển khai thực hiện.

Thanh Hóa cần sớm có phương án chống sạt lở khu vực chân núi Thiều ảnh 5UBND xã Cầu Lộc đã tổ chức cắm biển, khoanh vùng, lập rào chắn cảnh báo tại khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Xác định tình trạng sạt lở tại khu vực núi Thiều là nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân đang sinh sống tại đây, UBND xã Cầu Lộc đã tổ chức cắm biển, khoanh vùng, lập rào chắn cảnh báo tại khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, không để người dân, vật nuôi đi vào khu vực này; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với thiên tai và phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo ông Đỗ Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc cho biết: UBND xã đã làm tờ trình, báo cáo tình trạng sạt lở núi Thiều lên UBND huyện Hậu Lộc, đến nay mới đang xây dựng phương án xây dựng kè bảo vệ. Việc xác định nguyên nhân sạt lở không thuộc thẩm quyền của địa phương, vì liên quan đến việc quản lý đất đai, khoáng sản. Thời gian tới, UBND xã Cầu Lộc đề nghị các cơ quan cấp tỉnh và UBND huyện Hậu Lộc quan tâm có phương án xây kè bảo vệ nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân, để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Được biết, UBND xã Cầu Lộc đã có tờ trình gửi UBND huyện Hậu Lộc thẩm định phương án thi công chống sạt lở khu vực núi Thiều Xá 2, với giá trị đầu tư hơn 700 triệu đồng. UBND huyện Hậu Lộc đã chấp thuận phương án thi công do UBND xã Cầu Lộc làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nếu phương án này sớm được triển khai sẽ đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ổn định, ngăn được tình trạng sạt lở núi ngày một nghiêm trọng trước ảnh hưởng của thiên tai.

Nguyễn Nam - Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm