Thái Nguyên nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa

Thái Nguyên nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa

Tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực quản lý, đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, tạo thành lợi thế để phát triển du lịch và kinh tế bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích được bảo vệ, phát huy giá trị, trong đó 283 di tích đã được xếp hạng với một di tích cấp quốc gia đặc biệt, 52 di tích cấp quốc gia và 218 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, các cấp, ngành tại Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện công tác quản lý, tu bổ, phát huy giá trị di tích và đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, công tác quản lý và tôn tạo chưa đồng bộ nên nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, chưa có nhiều di tích được đầu tư trùng tu tôn tạo ở quy mô lớn, toàn diện mà hầu hết chỉ dừng ở mức chống xuống cấp là chính.

Thái Nguyên nỗ lực bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa ảnh 1Du khách thăm Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hóa. Ảnh: baothainguyen.vn

Điển hình một số di tích kiến trúc nghệ thuật có niên đại từ thời Lê, thế kỷ XVII-XVIII có giá trị tiêu biểu như các đình Phương Độ, Xuân La, Hộ Lệnh, chùa Úc Kỳ tại huyện Phú Bình đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ. Một số di tích lịch sử như Nhà tù Chợ Chu (huyện Định Hóa), nơi thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (tại huyện Đại Từ), đền Hích (huyện Đồng Hỷ)… đang xuống cấp. Người dân nhiều lần đề nghị tu bổ, tôn tạo để phát huy tối đa giá trị di tích nhưng địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí thực hiện.

Thái Nguyên còn có kho tàng 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, lập danh mục theo quy định pháp luật về di sản văn hóa. Trong đó, có 17 di sản tiêu biểu, đặc sắc đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2019.

Tuy nhiên, với sự tác động mạnh mẽ của đời sống, sự du nhập của văn hóa ngoại lai…đã và đang tác động mạnh lên việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Nhiều di sản đứng trước nguy cơ mai một hoặc biến mất hoàn toàn nếu không có giải pháp bảo vệ, phát huy hợp lý.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn hiệu quả, tỉnh đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bản tỉnh giai đoạn 2021-2025”. Việc triển khai Đề án sẽ góp phần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa. Bên cạnh đó tạo nên sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, đột phá dựa trên nguồn tài nguyên di sản văn hóa, thiên nhiên đặc thù của tỉnh với sự tham gia của cộng đồng và dựa vào cộng đồng, góp phần đưa hoạt động quản lý, tu bổ, tôn tạo, phục dựng vào phát huy tối đa giá trị di sản, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Mục tiêu cụ thể, đối với di sản văn hóa vật thể, giai đoạn 2021-2025 tỉnh phấn đấu 100% các di tích được rà soát, kiểm kê phân loại xác định giá trị và cấp độ bảo tồn sơ bộ; số hóa 100% hồ sơ khoa học di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia và cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh phấn đấu có từ 50-60 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi trên tổng số 283 di tích đã xếp hạng; có từ 3-6 làng, bản văn hóa truyền thống được đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững theo mô hình bảo tàng sinh thái và bảo tàng cộng đồng. Cùng với đó là xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa, bộ tài liệu về di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở tỉnh Thái Nguyên phục vụ giới thiệu, quảng bá, phát triển du lịch bền vững.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa; 10-12 di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng hồ sơ đệ trình có thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; sưu tầm, phục dựng, tư liệu hoá từ 10-15 di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, Đề án sẽ hỗ trợ xây dựng và hoạt động cho 10-15 mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã thực hành, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển đời sống cộng đồng; xây dựng bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa và bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ truyền dạy di sản văn hóa trong cộng đồng.

Thanh Hoài

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm