Anh Lã Văn Đặng chăm sóc rừng keo chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Theo ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, việc triển khai dự án gồm nhiều nội dung như: rà soát, điều chỉnh rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang quy hoạch phát triển rừng sản xuất; rà soát điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng xung quanh và liền kề các điểm di tích lịch sử không được công nhận là di tích lịch sử ATK Định Hóa; xác lập khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Hồ Núi Cốc; rà soát bổ sung vào quy hoạch những diện tích đất đủ tiêu chí quy hoạch đất lâm nghiệp... Sau khi tiến hành rà soát diện tích rừng phòng hộ tại 122/135 xã có rừng trong tỉnh, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã thống nhất chuyển hơn 12.000 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất, chuyển 1.238 ha rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, gần 1.400 ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đưa hơn 700 ha rừng đặc dụng ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp do đây là khu vực đất nông nghiệp, đất nhà ở không phù hợp với tiêu chí quy hoạch rừng đặc dụng. Ngoài ra, các địa phương cũng nhất trí với việc chuyển hơn 13.700 ha diện tích đất ngoài quy hoạch vào quy hoạch rừng sản xuất; trong đó huyện Định Hóa chuyển hơn 4.600 ha, huyện Võ Nhai chuyển trên 3.400 ha, huyện Đại Từ chuyển gần 2.200 ha... Những diện tích đất này hầu hết là khu vực người dân đã sử dụng vào mục đích trồng rừng sản xuất nhiều chu kỳ, ổn định, phù hợp với tiêu chí quy hoạch lâm nghiệp. Bên cạnh đó, trong đợt rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng lần này, tỉnh Thái Nguyên đã xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan Hồ Núi Cốc với tổng diện tích 4.389 ha và điều chuyển hơn 1.800 ha rừng đặc dụng thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo về tỉnh quản lý... Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Việc hoàn thành dự án góp phần quan trọng khắc phục những bất cập, tồn tại sau kiểm kê rừng, bảo đảm ổn định quy mô, ranh giới, diện tích rừng, làm cơ sở cho các ngành chức năng quản lý, bảo vệ rừng, giúp cho người dân trên địa bàn có điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng. Như vậy, sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh Thái Nguyên có hơn 198.000 ha rừng, chiếm 56,2% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó rừng đặc dụng trên 41.000 ha, rừng phòng hộ hơn 31.650 ha và rừng sản xuất trên 126.000 ha. Việc xác định rõ diện tích rừng sản xuất là cơ sở để phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được tỉnh tích cực triển khai.
Hoàng Thảo Nguyên