Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên hiện có 103 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn tỉnh đạt 17,23 tiêu chí nông thôn mới/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, trong việc thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới thì việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường rất khó đạt chuẩn, nhất là việc đảm bảo tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch và đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo khảo sát của Hội nước sạch và môi trường tỉnh Thái Nguyên, những năm qua, trên địa bàn Thái Nguyên quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất ngày càng tăng cao trong khi trữ lượng nguồn nước có hạn, tiềm ẩn nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm rất cao. Việc cấp nước cho khu vực nông thôn - nơi đang tiến hành xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập. Ngoài 23 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn quản lý, vận hành có quy chế quản lý tương đối chặt chẽ, phục vụ cho khoảng 100.000 người dân nông thôn còn lại phần lớn các công trình sau khi đầu tư, hoàn thành do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cộng đồng dân cư tự quản thì vấn đề an ninh nguồn nước và ô nhiễm vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân như: khai khoáng, xả thải của các đơn vị sản xuất kinh doanh, chăn thả gia súc, gia cầm... Cá biệt, ở một số nơi còn có tình trạng một số người dân vô ý thức vứt xác súc vật, gia cầm nhiễm bệnh chết xuống sông, hồ, ao làm cho một số công trình nước tự chảy ở các huyện Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ... có thời điểm bị ô nhiễm. Việc khai thác nước mặt, nước dưới đất trái phép, xả thải chưa đủ tiêu chuẩn vào nguồn nước còn diễn ra ở một vài địa phương, một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước. Công nghệ sản xuất lạc hậu, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên nước, phát sinh nước thải lớn gây ô nhiễm môi trường... Đó là những thách thức trong công tác bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân tỉnh Thái Nguyên.
Trước thực tế này, để đảm bảo an ninh nguồn nước cho người dân, góp phần hoàn thành chỉ tiêu về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các biện pháp đồng bộ như: xây dựng, quản lý hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước đối với các lưu vực sông trong tỉnh; lắp đặt 13 vị trí quan trắc nước dưới đất ở Khu công nghiệp Điềm Thụy, Khu công nghiệp Sông Công và Khu công nghiệp Nam Phổ Yên; thực hiện quan trắc hiện trạng môi trường nước mặt tại 45 điểm; xây dựng 2 điểm quan trắc nước mặt tự động ở đập thác Huống trên sông Cầu và hồ Núi Cốc - sông Công... Đối với các nguồn nước thải, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành quan trắc tự động tại 26 nguồn xả thải ra sông, suối tiếp nhận nước thải trên địa bàn và giám sát tự động 7 nguồn xả thải của các đơn vị có nguy cơ ô nhiễm cao...
Ông Hoàng Cường Quốc - Chủ tịch Hội nước sạch và môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: Nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho các công trình đã cấp phép khai thác, sử dụng nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành công trình. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh giám sát các tổ chức, cá nhân; quy định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước trên địa bàn theo thẩm quyền...
Hoàng Thảo Nguyên