Trong năm 2021, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tại tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hơn 1.300 doanh nghiệp đóng mã số thuế và ngừng hoạt động. Một số loại hình dịch vụ, thương mại gián đoạn. Hoạt động du lịch gần như "đóng băng". Trong bối cảnh đó, với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy và chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
* Hiệu quả trong thực hiện "mục tiêu kép"
Theo ông Đặng Văn Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng kết quả phát triển kinh tế của Thái Nguyên năm 2021 vẫn đạt nhiều kết quả khả quan. Nổi bật là tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh ước tính tăng 6,56% so với năm 2020, cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 95,1 triệu đồng, tương đương 4.121,8 USD/người/năm, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020. Thu ngân sách năm 2021 đạt trên 16.750 tỷ đồng, bằng 137% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 107% dự toán HĐND tỉnh giao. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2021 ước đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm 2021 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 14.647,2 tỷ đồng, tăng 4,18% so với năm trước. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu năm 2021 toàn tỉnh ước đạt 28,85 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ... Dù dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư nhưng năm qua, Thái Nguyên đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 dự án sử dụng vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký trên 6.300 tỷ đồng, nâng tổng số dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước còn hiệu lực là 817 dự án với số vốn đăng ký khoảng 141.540 tỷ đồng. Tỉnh cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 27 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký là 158,06 triệu USD, nâng tổng dự án FDI hiện có trên địa bàn lên 171 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 8,7 tỷ USD...
Không chỉ đạt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, Thái Nguyên có nhiều dấu ấn trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển xã hội khi tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, cứu trợ đột xuất, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 giảm xuống còn 2,17%, giảm 0,65% so với năm 2020, vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền được giảm hơn 57 tỷ đồng. Thái Nguyên triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 như: hỗ trợ kinh phí cách ly, ăn, ở, xét nghiệm cho hơn 2.200 người lao động và công dân của tỉnh Thái Nguyên đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Bắc Giang trở về quê hương với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng; hỗ trợ người Thái Nguyên đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội cho hơn 11.600 người với số tiền hỗ trợ gần 23,4 tỷ đồng; tổ chức đón 247 công dân Thái Nguyên từ các tỉnh, thành phố phía Nam đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 trở về quê hương, hỗ trợ toàn bộ chi phí vé máy bay và chi phí cách ly cho công dân. Tỉnh hỗ trợ 3.107 giáo viên mầm non, phổ thông và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn thuộc diện thuê khoán với số tiền gần 6 tỷ đồng...
Thái Nguyên còn là một trong những tỉnh đầu tiên ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc thực hiện chương trình chuyển đổi số một cách đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực, hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công tỉnh, triển khai rộng rãi các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch, bước đầu xây dựng, triển khai nền tảng xã hội số và ứng dụng “ThaiNguyenID”...
* Tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng cao
Bước vào năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu chung đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh cải cách hành chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; triển khai thực hiện tốt các nội dung của Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công 5 năm 2021- 2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phía Nam của tỉnh, trọng tâm là các dự án có tính liên kết, kết nối vùng. Thái Nguyên tích cực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án đầu tư có tính chất lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững...
Toàn tỉnh phấn đấu trong năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng 8%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9%, giá trị xuất khẩu tăng 9%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 11% so với thực hiện năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người đạt 105 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 18.000 tỷ đồng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30,5%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1% trở lên, 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 86,2%...
Ngay trong những ngày đầu năm, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện những công trình, dự án, quy hoạch mang tính bứt phá được triển khai thực hiện từ năm 2021 như: Xây dựng quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Thái Nguyên để đầu tư xây dựng quần thể không gian công cộng lớn như Quảng trường, phố đi bộ, khu đô thị mới, cơ quan hành chính của tỉnh; đầu tư mới Sân vận động Thái Nguyên với quy mô 22.000 chỗ ngồi, đạt tiêu chuẩn quốc gia; đầu tư tuyến đường động lực 42 km kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng và nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng khác. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút đầu tư xây dựng hàng nghìn căn nhà ở xã hội, những tòa nhà cao tầng là điểm nhấn cho đô thị, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy thương mại, dịch vụ, triển khai nhiều dự án trọng điểm, trong đó nổi bật là Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phú Bình; dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thái Nguyên cũng dự kiến đầu tư và thu hút đầu tư từ 2 đến 3 khu công nghiệp mới với quy mô gần 2000 ha...
Tại Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã nhấn mạnh: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025, Thái Nguyên tập trung huy động mọi nguồn lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025. Tỉnh tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp, cơ chế mang tính đột phá, khả thi, chú trọng việc tạo ra các động lực tăng trưởng mới phù hợp với các đặc điểm, xu thế và điều kiện phát triển mới. Tỉnh đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trong và ngoài ngân sách, trong đó: giao tiến độ, chất lượng cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, tiếp tục cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên để phục vụ đầu tư phát triển. Thái Nguyên tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; tích cực, chủ động ứng phó có hiệu quả với dịch bệnh và biến đổi khí hậu...
Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh và chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham mưu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách; xử lý các vấn đề tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất kinh doanh. Tỉnh tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân, nhất là một số ngành, lĩnh vực quan trọng đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh...
Tỉnh Thái Nguyên tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 kịp thời, đúng đối tượng; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm, chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa ở khu vực tập trung đông dân cư, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp.
Theo Kế hoạch năm 2022, sau Tết Nguyên đán, Thái Nguyên sẽ tổ chức khởi công dự án nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh với quy mô gần 15 ha, ngay liền kề Khu Công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên), đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người lao động trên địa bàn tỉnh. Tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy và học trong các nhà trường, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; thực hiện chuẩn hóa trong ngành giáo dục, dành nhiều ưu tiên hợp lý cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn...
Với những mục tiêu cụ thể và các giải pháp đồng bộ, Thái Nguyên đang có những chuyển biến tích cực về mọi mặt, biến khó khăn, thách thức thành động lực để phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế tỉnh trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc./.
Hoàng Thảo Nguyên