Dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của các tổ hợp tác, hợp tác xã tại Thái Nguyên, giá bán và sản lượng tiêu thụ có xu hướng giảm. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc ứng dụng linh hoạt chuyển đổi số đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Quá trình này đã mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Hợp tác xã miến Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ hiện đang sản xuất 4 sản phẩm chính gồm miến dong, miến khoai lang, miến sắn dây và miến tỏi đen. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã miến Việt Cường được phủ rộng khắp trong cả nước, thậm chí, còn xuất khẩu sang một số nước thuộc châu Âu, châu Á.
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường chia sẻ, trước đây khi chưa tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện qua các kênh bán hàng truyền thống, cứ có khách hàng đặt mua thì doanh nghiệp vận chuyển hàng đến, điều này bị ảnh hưởng rất nhiều khi dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài ra, việc bán hàng truyền thống trước đây cũng sẽ làm giảm sự tiếp cận giữa nhu cầu người tiêu dùng với các sản phẩm của doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Tuyết, Giám đốc Hợp tác xã chè Tuyết Hương, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ cho rằng, việc bán hàng truyền thống thông qua vận chuyển thông thường, hoặc qua hệ thống bưu chính viễn thông… thì lượng hàng tiêu thụ ít. Ngoài ra, sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng thường là không đúng thời gian mà doanh nghiệp và khách hàng mong muốn.
Đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử là mục tiêu tỉnh Thái Nguyên hướng tới. Cụ thể hóa mục tiêu này, Liên minh Hợp tác xã đã mở 3 lớp tập huấn cho tổ hợp tác, hợp tác xã tại thành phố Thái Nguyên và huyện Đại Từ trên địa bàn nhằm hỗ trợ, hướng dẫn, giới thiệu, quảng bá, kết nối và đăng tải sản phẩm của đơn vị mình lên các sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: sàn VoSo.Vn của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel; sàn Postmart.Vn của Bưu điện Việt Nam và sàn lmhtxvnmart.com.vn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên cho biết, lớp tập huấn đã hướng dẫn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã những phương pháp đưa sản phẩm của doanh nghiệp lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để thúc đẩy quá trình tiêu thụ, thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Các sản phẩm của tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được đánh giá có chất lượng khá cao, nhưng lại chưa được người tiêu dùng nắm bắt thông tin rộng rãi để khai thác. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đến thời điểm này, tỉnh đã có trên 300 gian hàng của các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Lượng tiêu thụ ngày càng tăng, điều này càng thu hút nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.
Nói về hiệu quả sau khi đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã miến Việt Cường đánh giá, trước đây, khi chưa tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử thì sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp chỉ đạt 400 tấn/năm. Sau khi đưa sản phẩm lên sàn, sản lượng của doanh nghiệp đã đạt tới 600 tấn/năm, người mua không chỉ dừng lại ở khách hàng cũ, truyền thống nữa mà đã mở rộng thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới, dự kiến, sản lượng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong nước. Việc phân phối tiêu thụ mặt hàng nông sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử được xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả. Qua đó, đồng hành, chia sẻ, kịp thời hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng thích ứng với điều kiện bình thường mới, quyết tâm vượt qua đại dịch.
Thu Hằng