Trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã phối hợp lực lượng Công an, Quản lý thị trường, thú y và các địa phương nắm tình hình, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến động vật hoang dã, tịch thu trên 150 cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thả về môi trường tự nhiên góp phần quan trọng trong bảo vệ động vật hoang dã, bảo đảm môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Vụ việc gần nhất, Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đang điều tra làm rõ hành vi buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đối với Huỳnh Trọng Nghĩa (sinh năm 1995, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành).
Trước đó, ngày 17/8, trên tuyến Quốc lộ 22B, thuộc ấp Bình Long (xã Thái Bình, huyện Châu Thành), Công an huyện Châu Thành phối hợp Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành-Bến Cầu (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh) tiến hành kiểm tra, bắt quả tang đối tượng Huỳnh Trọng Nghĩa đang điều khiển xe môtô vận chuyển 2 cá thể động vật sống có đặc điểm cổ dài, mỏ nhọn, chân màng bơi, lông màu nâu sẫm giống chim cổ rắn, có tổng trọng lượng 1,9kg. Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, chim cổ rắn thuộc họ Anhingidae là loài nằm trong nhóm IB, nguy cơ tuyệt chủng rất cao, chúng thường sống trong các môi trường nhiều hồ, sông, đầm lầy cửa sông, vịnh và các cánh rừng đước ngập nước.
Ngoài ra, cũng trong tháng 8/2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh tiếp nhận từ người dân ngụ tại khu phố An Bình, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, 7 tiêu bản động vật hoang dã gồm: 2 tiêu bản rắn hổ mang chúa, 1 tiêu bản rắn chàm quạp, 1 tiêu bản báo lửa, 2 tiêu bản cầy vòi hương, 1 tiêu bản mèo rừng. Những tiêu bản được Kiểm lâm Tây Ninh xác định thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/1/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (được sửa đổi, sung tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ) và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Hiện Chi cục Kiểm lâm tổ chức bảo quản tại Kho của Chi cục Kiểm lâm và đang xây dựng phương án xử lý theo quy định.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh, chỉ tính riêng trong tháng 9/2024, ngành Kiểm lâm đã tiếp nhận, chăm sóc từ người dân, các cơ quan, đơn vị 33 cá thể động vật hoang dã, 7 tiêu bản động vật hoang dã. Xử lý động vật hoang dã hung dữ ngoài khu dân cư được 2 cá thể khỉ (1 cá thể khỉ đuôi dài, 1 cá thể khỉ đuôi lợn); bàn giao cho Ban quản lý Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cứu hộ và thả về tự nhiên 24 cá thể động vật hoang dã; tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng 10 cá thể động vật hoang dã, trong đó có nhiều loại quý hiếm.
Ông Nguyễn Thành Vinh, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, riêng đối với công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, lực lượng Kiểm lâm luôn quan tâm kịp thời. Thời gian qua, nhờ công tác vận động, tuyên truyền nhiều người dân đã liên hệ cơ quan kiểm lâm, tự nguyện giao nộp trên 150 cá thể động vật hoang dã các loại. Trong đó, có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm như tê tê, kỳ đà vân, đại bàng, chim cổ rắn, mèo rừng, khỉ đuôi dài, công... Trong đó, có nhiều tiêu bản động vật hoang dã được người dân giao nộp như báo lửa, rắn hổ chúa, cầy vòi hương, mèo rừng..., có giá trị trong công tác bảo tồn, giữ gìn nguồn gen.
Ông Nguyễn Thành Vinh nhấn mạnh, trong thời gian tới, cơ quan kiểm lâm sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, nhất là các địa bàn, cơ sở nhà hàng, quán ăn có dấu hiệu quảng cáo, nuôi nhốt, kinh doanh động vật hoang dã trái phép nhằm kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xảy ra. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân cùng chung tay hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc bảo vệ động vật hoang dã, nói không với việc nuôi nhốt, mua bán, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái quy định, góp phần bảo vệ sự sống của các loài, bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Bảo vệ động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Bà Trần Thị Ngân Hà, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, những năm qua, công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm được các cấp và ngành Kiểm lâm đặc biệt chú trọng thực hiện.
Trong những tháng cuối năm 2024, ngành Kiểm lâm Tây Ninh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch về việc kiểm tra, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật và chống phá rừng, lấn, chiếm rừng trái pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp về quản lý, bảo vệ phát triển rừng giữa các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và các lực lượng có liên quan trên địa bàn tỉnh được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ hơn.
Đồng thời, các lực lượng thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cơ sở chế biến, mua bán và gây nuôi động vật rừng trong việc chấp hành quy định của pháp luật; đặc biệt, thực hiện tốt việc phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác tuần tra, kiểm tra các tụ điểm, nhà hàng, quán ăn có kinh doanh, chế biến động vật rừng để tuyên truyền, ngăn ngừa vi phạm.
Giang Phương