Thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, tỉnh Tây Ninh coi trọng việc phát huy vai trò của đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, đồng lòng xây dựng, phát triển địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ngày càng giàu đẹp.
* “Cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với người dân
Phát huy vai trò trong cộng đồng dân cư, những người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Ninh đã trở thành "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể với người dân. Gương mẫu, tiên phong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những người có uy tín còn tích cực động viên, tuyên truyền để đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu rõ và tích cực tham gia nhiều phong trào, chương trình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh, trật tự ở địa phương.
Theo thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 35 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây thực sự là đội ngũ gương mẫu, tiên phong trong các phong trào lao động, sản xuất; vận động đồng bào áp dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm ổn định và nâng cao đời sống.
Bên cạnh đó, tại các địa phương, các già làng, trưởng ấp, người có uy tín cũng phát huy tốt vai trò vận động, đoàn kết, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các phong trào ở địa phương; phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ gia đình, dòng họ, nơi cư trú. Thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, thông tin cho trên 8.300 lượt già làng, trưởng ấp, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.
Ông Sóc Kha (dân tộc Khmer), 74 tuổi là người có uy tín ở ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, chia sẻ: Được bà con tin tưởng, ông luôn gương mẫu, nhắc nhở con cháu trong gia đình tích cực phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, ông thường cùng lãnh đạo xã, sư trụ trì chùa Chung Rút (chùa của đồng bào Khmer ở xã Hòa Hiệp) tuyên truyền, vận động người dân trong ấp tích cực xây dựng nông thôn mới, làm sạch đường ấp, tạo khung cảnh xanh - sạch cho xã vùng sâu biên giới. Ông cũng vận động đồng bào tích cực trồng lúa, sắn, cao su. Cùng với các thành viên tổ tự quản, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên trong xã chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, không đi xe mô tô lạng lách, không phóng nhanh vượt ẩu.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Phùng Thị Mai Huyền cho hay: Xã có 257 hộ với 1.007 người dân tộc Khmer. Trên địa bàn có 4 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, luôn tích cực cùng cấp ủy Đảng, chính quyền xã tuyên truyền, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách đến người dân. Những người có uy tín ở xã như ông Sóc Kha thường đến từng nhà người dân để giải thích cặn kẽ giúp đồng bào hiểu rõ các chính sách của Nhà nước. Xã luôn trân trọng và thường xuyên động viên, tạo điều kiện để những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tốt vai trò của mình.
* Thắt chặt khối đại đoàn kết các dân tộc
Tết Sen Dolta đã trôi qua hơn 2 tuần, song với ông Cao Văn Sơn (70 tuổi, dân tộc Khmer) - người có uy tín ở khu dân cư Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã vùng biên Tân Lập, huyện Tân Biên) vẫn xúc động khi được chứng kiến không khí đầm ấm, đoàn kết của bà con các dân tộc trong khu dân cư đến chung vui Tết với đồng bào Khmer.
Ông Cao Văn Sơn cho biết: Đó không còn là ngày Tết của riêng đồng bào Khmer mà đồng bào các dân tộc Tà Mun, Mường, Chăm... trong khu dân cư đều đến chung vui, cùng biểu diễn văn nghệ, cùng chung mâm cơm ngày Tết của đồng bào Khmer.
Ông Cao Văn Sơn chia sẻ, là người có uy tín, ông luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế. 70 tuổi, còn sức khỏe, ông vẫn vẫn tích cực lao động sản xuất, trồng sắn, mía và hoa màu, cải thiện thu nhập cho gia đình. Ông luôn động viên mọi người trong khu dân cư tích cực phát triển sản xuất, giữ gìn đường xóm, ấp sạch đẹp, khang trang, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, cung cấp thông tin tố giác tội phạm cho lực lượng chức năng. Già làng Cao Văn Sơn đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh Tây Ninh, huyện Tân Biên...
Trưởng Công an xã Tân Lập Nguyễn Thành Trung cho biết: Trước đây, có những thời điểm tình hình an ninh trật tự ở địa phương còn phức tạp. Trước tình hình đó, cùng với sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, chú Cao Văn Sơn là người có uy tín trong đồng bào đã tham gia tổ tự quản, họp định kỳ từng tháng, vận động người dân tham gia mô hình tố giác tội phạm, cung cấp cho lực lượng chức năng nhiều thông tin giá trị; góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, giữ bình yên cho xóm ấp.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đào Văn Sớt cho biết thêm: Tháng 10 này cũng chính là dịp ấp Tân Khai, trong đó có khu dân cư Chàng Riệc kỷ niệm 10 năm thành lập. Đảng ủy, chính quyền xã, các đoàn thể cùng với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tổ chức nhiều hoạt động như buổi lễ kỷ niệm; khen thưởng những cư dân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao. Đồng thời, xã Tân Lập đang hoàn thiện hồ sơ để được UBND tỉnh Tây Ninh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Niềm vui, kết quả đạt được đó là thành quả chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã, trong đó có sự đóng góp tích cực của những người có uy tín như già làng Cao Văn Sơn. (Hết)
Thanh Trà - Thanh Tân