Ông Mang Văn Thới – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh cho biết, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao từ nhiều tuần qua, gần 70.000 ha rừng trên tuyến biên giới Tây Ninh đang ở trạng thái cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Các trảng cỏ, vạt rừng ven đường dễ bị cháy lớn khi có lửa.
Theo ông Thới, ngay từ đầu mùa khô năm 2020-2021, Chi cục Kiểm lâm (Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành, triển khai các nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng và chống phá rừng trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ra văn bản số 3238/KH-UBND ngày 22/12/2020 về Kế hoạch kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và chống phá rừng năm 2021.
Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương kiểm tra phòng, chống cháy rừng được 15 lượt trên địa bàn rừng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (bao gồm khu rừng Văn hóa – Lịch sử Chàng Riệc), khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen và khu rừng ở 2 huyện Châu Thành, Bến Cầu.
Theo đánh giá của các đoàn kiểm tra, các Ban quản lý rừng (chủ rừng) và UBND các xã có rừng đã tích cực xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô năm 2021. Các đơn vị đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các hộ nhận khoán trồng rừng, bảo vệ rừng và các tổ chức, người dân sống gần rừng; rà soát, bổ sung các biển cấm lửa, cấm chặt phá rừng. Các đơn vị lập bản cam kết việc chấp hành quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đối với người dân, cộng đồng dân cư sống ven, trong rừng; vận động nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng.
Các hộ nhận khoán cũng chú trọng khâu xử lý thực bì, làm đường băng trắng cản lửa, đốt trước vật liệu dễ gây cháy, chống cháy lan vào rừng; có kế hoạch phân công lực lượng, bố trí phương tiện, dụng cụ tại chỗ ở các khu vực trọng điểm. Đơn vị chức năng bố trí lực lượng trực 24/24 giờ tại các chốt, trạm; tổ chức tuần tra kiểm soát người, phương tiện ra vào rừng, nhằm cảnh báo, ngăn chặn nguy cơ cháy, phá rừng; sẵn sàng huy động chữa cháy ở mọi thời điểm trong mùa khô năm 2021; ngăn chặn và xử lý nghiêm, triệt để các vụ vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các Ban quản lý dự án rừng cũng chủ động mua sắm bổ sung thêm các loại máy móc, phương tiện, dụng cụ, bản đồ phòng cháy, chữa cháy rừng cho từng chốt, tổ, đội bảo vệ rừng phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị.
Tuy nhiên, tại địa bàn khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, diện tích rừng trồng tại tiểu khu 63, qua kiểm tra thực tế tại khu vực khoảnh 4, các hộ nhận hợp đồng trồng rừng chưa thực hiện biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng như vệ sinh rừng, làm băng cản lửa những khu vực rừng trồng giáp ranh với đất trồng cây nông nghiệp. Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời để phòng ngừa cháy lớn.
Còn tại khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen, kiểm tra tại khu vực khoảnh 1, tiểu khu 66 rừng trồng cây Tếch cho thấy: Sau vụ cháy ngày 1/2 làm thiệt hại hơn 2 ha rừng, người nhận hợp đồng trồng rừng đã ý thức được việc cần thiết phải vệ sinh rừng, phòng chống cháy rừng để không bị ảnh hưởng đến cây ăn trái trồng dưới tán rừng, chủ động xử lý thực bì, giảm thiểu vật liệu cháy.
Theo nhận định của Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tây Ninh, sau Tết Nguyên đán thời tiết tiếp tục nắng nóng, khả năng khô hạn kéo dài; một số nơi, dưới tán rừng phần lớn là lá khô cây rừng rụng tạo thành lớp thực bì dễ cháy.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các Ban quản lý rừng (chủ rừng) và UBND các xã có rừng duy trì việc trực 24/24 giờ trong ngày để kịp thời phát hiện, sẵn sàng huy động các cơ quan, đơn vị trú đóng trên địa bàn và người dân sống xung quanh, ven rừng tham gia chữa cháy rừng.
Ban Quản lý khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen cần tiếp tục nhắc nhở người nhận các hợp đồng trồng rừng xử lý thực bì theo phương án và tại những khu vực phát sinh có thực bì dày, cành khô lá rụng nhiều. Khu vực nào không thể xử lý thực bì được thì tăng cường lực lượng trực phòng cháy và thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng. Khu vực rừng trồng thuộc khoảnh 4, tiểu khu 63 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cần có những giải pháp thực hiện phòng cháy, chữa cháy kịp thời đảm bảo theo phương án phòng cháy, chữa cháy đã được phê duyệt.
Lê Đức Hoảnh