Khu vực Tây Nguyên đang trong cao điểm mùa khô. Tình trạng nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước phục vụ sản xuất ngày càng cạn kiệt. Theo thống kê, đã có hàng nghìn ha cây trồng vụ Đông Xuân cùng các loại cây dài ngày bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nguy cơ thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của toàn vùng về cả trước mắt cũng như lâu dài. Trong bối cảnh đó, chính quyền các địa phương cùng nhân dân các tỉnh đang “gồng mình” chống hạn cho cây trồng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để thấy rõ sự khốc liệt của hán hạn ở khu vực Tây Nguyên, nhất là khi biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết chủ đề "Tây Nguyên ứng phó với hạn hán khốc liệt".
Bài 1: Nông dân “chờ trời” đổ mưa
Tây Nguyên với đặc thù khí hậu có mùa mưa và mùa khô rõ rệt, hiện khu vực này đang trong cao điểm mùa khô, nhiều khu vực không có mưa trong thời gian dài. Hàng trăm công trình hồ thủy lợi đã cạn trơ đáy hoặc dưới mực nước chết, nước trên các ao, hồ, sông, suối ngày càng khan hiếm, mạch nước ngầm cũng dần khô cạn… đe dọa đến hàng nghìn ha cây trồng, nhất là các loại cây có giá trị kinh tế cao, nguy cơ thiệt hại lớn nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời.
“Trời khô đất héo”
Theo đánh giá của các địa phương, do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa trên địa bàn các tỉnh đều bị thiếu hụt so với các năm trước, mực nước trên các sông duy trì mức thấp, lượng dòng chảy phổ biến thấp dẫn đến tình trạng khô hạn trên khắp các tỉnh Tây Nguyên.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2023, mùa mưa trên địa bàn tỉnh bắt đầu muộn hơn khoảng 10-15 ngày so với trung bình nhiều năm và kết thúc vào khoảng đầu tháng 11. Từ đầu năm đến nay là thời kỳ mùa khô, thời tiết trên địa bàn tỉnh chủ yếu là không mưa. Trong khi đó, Trung tâm cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước dự báo trong tháng 3 và tháng 4, mực nước ngầm có xu thế hạ, mực nước thấp hơn từ 1,52 - 3,24 m so với tháng 2/2024.
Lượng mưa thấp cùng hạn hán kéo dài khiến tình trạng khô hạn ngày càng trầm trọng hơn. Thống kê đến ngày 15/4, toàn tỉnh Đắk Lắk có 619 hồ chứa đã có 44 hồ đã cạn nước; 139 hồ có dung tích hiện tại dưới 50%; 135 hồ có dung tích hiện tại còn từ 50% đến dưới 70%; 127 hồ có dung tích hiện tại còn trên 70%.
Dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, lượng nước đến gần như bằng 0 và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng. Do đó khả năng diện tích tưới của các công trình này bị hạn về cuối vụ là rất lớn. Trong khi đó, các công trình này tập trung nhiều ở các huyện: Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng, Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ… theo đó tình trạng khô hạn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục diễn biến khốc liệt hơn, mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Trong tình trạng tương tự, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết, tình hình nắng nóng kéo dài đang khiến nguồn nước trên nhiều ao hồ, sông suối dần cạn kiệt và việc cung ứng nước cho trồng trọt nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, nhiều tháng nay, tình hình thời tiết các huyện phía bắc tỉnh Đắk Nông như: Đắk Mil, Krông Nô và Cư Jút đang phổ biến khô hanh, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp. Dòng chảy các sông suối giảm, nhiều sông suối nhỏ đã ở mức cạn kiệt, trữ lượng nước các hồ chứa thủy lợi hạ thấp rất nhanh. Nguồn nước từ các ao nhỏ của người dân tích trữ nước tưới cho cây trồng ở các khe suối, chân đồi cao cũng đã xuống thấp, một số ao nhỏ đã không còn nguồn nước tưới.
Hiện toàn tỉnh Đắk Nông có 307 công trình thủy lợi, tính đến đầu tháng 4/2024, có 31 công trình thủy lợi đã hết nước. Hiện, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 27% diện tích sản xuất nông nghiệp.
Tại tỉnh Lâm Đồng, tình hình khô hạn cũng diễn ra khốc liệt trên toàn địa bàn. Đặc biệt, huyện Di Linh là địa phương có lượng mưa trung bình nhiều năm thấp so với bình quân toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, một số xã Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Lạc, Gung Ré, Gia Bắc, Sơn Điền hầu như chưa có mưa nên tình trạng hạn hán, thiếu nước càng trầm trọng.
Huyện Di Linh hiện có 57 công trình thủy lợi trong đó bao gồm 39 hồ chứa, 18 đập dâng, đập tạm. Hiện tại có 12 hồ chứa, đập dâng đã xuống dưới mực nước chết, một số hồ chứa đã khô cạn trơ đáy.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%; nắng nóng vẫn tiếp tục xảy ra; theo đó tình trạng khô hạn ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục diễn biến khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Trong bối cảnh nắng nóng kéo dài nhưng không có mưa, nước từ các hồ chứa, sông suối, ao hồ… đều dần cạn kiệt và tất yếu “trời khô đất héo” sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn ha cây trồng trên địa bàn Tây Nguyên.
Cây trồng “khát” nước tưới
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết: Từ năm 2014 đến năm 2023, hạn hán thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh với khoảng 299.755 ha cây trồng các loại bị hạn, với gần 30.000 ha bị mất trắng; thiệt hại ước tính 6.980 tỷ đồng (trung bình gần 700 tỷ đồng/năm).
Riêng trong năm 2024, hạn hán đang xảy ra khốc liệt, thống kê sơ bộ đến ngày 15/4, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 2.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do hạn hán. Dự báo, sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm nay sẽ chịu nhiều thiệt hại do hạn hán và thiếu nước tại các công trình thủy lợi nhỏ, lòng hồ bị bồi lắng; vùng không có công trình, vùng nghèo nước ngầm như: huyện Cư M’gar, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng,... với khoảng 8.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng (6.000 ha cây ngắn ngày; 2.000 ha cây dài ngày).
Cuối tháng 4/2024 tại huyện Krông Bông, sau nhiều tháng không có mưa và nắng nóng khốc liệt, một số diện tích cây cà phê ở các xã Ea Trul, Cư Pui… đã bị vàng lá, chết khô. Đặc biệt, ở một số khu vực đã cạn kiệt nguồn nước tưới nên nông dân chỉ biết “chờ trời” đổ mưa để cứu diện tích cây trồng.
Ông Trần Vũ Kha, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, Đắk Lắk cho biết, gia đình có 8 sào trồng cà phê. Do vườn rẫy không nằm ở khu vực đập thủy lợi nên gia đình anh đã chủ động đào ao tích trữ nước mưa để bơm tưới cho cây trồng. Những năm trước, nguồn nước từ ao chứa rộng 300 m2 đủ để gia đình anh tưới tiêu suốt mùa khô. Thế nhưng, năm nay mới chỉ sau hai đợt tưới ao đã trơ đáy.
Hiện nắng nóng kéo dài, khắp nơi thiếu nước nên không thể xoay xở đâu ra nguồn nước tưới cho vườn cây cà phê. Năm nay, chỉ mong vườn cây sống qua mùa khô để tái chăm sóc vào các năm sau. Do thiếu nước nên cây cà phê đã bị héo lá, khô cành, nếu khô hạn kéo dài, nguy cơ chết cây rất cao, ông Trần Vũ Kha lo lắng chia sẻ.
Ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, Đắk Lắk cho biết, vụ Đông Xuân năm nay toàn huyện có 7.439 ha cây trồng các loại. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có hơn 9.000 cây cà phê và một số loại cây ăn trái, cây dài ngày khác. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nắng nóng, khô hạn diễn ra khốc liệt khiến 457 ha cây trồng trên địa bàn huyện đang bị khô hạn; trong đó, lúa nước là 384 ha, cà phê là 73 ha). Đáng nói, hiện nguồn nước ở các hồ chứa, sông, suối… đang xuống thấp. Do đó, nếu hạn hán tiếp tục kéo dài, nguy cơ các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao sẽ bị ảnh hưởng nặng do hạn hán.
Trong hoàn cảnh tương tự, vụ Đông Xuân năm 2023-2024 tỉnh Đắk Nông gieo trồng hơn 10.500 ha cây ngắn ngày gồm: lúa, ngô, khoai, các loại đậu… Đến nay đã thu hoạch hơn 3.900 ha, chiếm hơn 37% diện tích gieo trồng. Về các loại cây công nghiệp, toàn tỉnh hiện có 185.000 ha (cà phê, tiêu, cây ăn quả và cây trồng khác) đang cần nước tưới. Đến nay, do ảnh hưởng của nắng hạn và tình trạng thiếu nước tưới, hiện đã xuất hiện một số diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp lâu năm có hiện tượng héo lá, nguy cơ giảm năng suất.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ nay đến giữa tháng 5/2024, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm; tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ trên một số sông, suối nhỏ tiếp tục diễn ra. Trong thời gian tới, nếu thời tiết không thuận lợi, tiếp tục nắng nóng kéo dài, không xuất hiện mưa, nhiều khu vực sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước. Dự kiến, có gần 10.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do hạn hán.
Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước nhưng đang oằn mình trong khô hạn. Để cứu diện tích cây trồng, nhất là các loại cây có giá trị kinh tế cao, chính quyền các địa phường cùng nông dân đang “gồng mình” chống hạn, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. (Xem tiếp Bài 2: “Gồng mình” chống hạn cho cây trồng)
Nhóm PV