Tập trung giải ngân 100% kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn năm 2024, tỉnh Kiên Giang phân bổ vốn đầu tư phát triển hơn 85 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 74 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.

vna_potal_kien_giang_khoi_sac_vung_dong_bao_dan_toc_khmer_7314609.jpg
Cầu giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Châu Thành. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, tỉnh phân bổ nguồn vốn cho 12 cơ quan, huyện, thành phố triển khai thực hiện, đến nay đã giải ngân hơn 36,5 tỷ đồng, đạt 42,8% kế hoạch, dự kiến đến 31/01/2025 giải ngân vốn này đạt 100% kế hoạch năm 2024.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương tập trung thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ, giải pháp UBND tỉnh đã đề ra thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn năm 2024, nhất là giải ngân vốn đầu tư phát triển.

"Cần xem việc hoàn thành mục tiêu, kế hoạch và giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ưu tiên thực hiện của cơ quan, đơn vị, là căn cứ để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cá nhân, tổ chức trong năm 2024", Trưởng Ban Dân tộc Danh Phúc nhấn mạnh.

Nhìn chung, những tháng đầu năm, các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện giải ngân vốn đầu tư phát triển cao hơn so với cùng kỳ.

vna_potal_kien_giang_khoi_sac_vung_dong_bao_dan_toc_khmer_7314606.jpg
Các ngôi chùa được sơn sửa, xây mới trên địa bàn huyện Châu Thành. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Tuy nhiên, có 4/12 đơn vị tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển thấp hơn mức trung bình của tỉnh; trong đó, thành phố Rạch Giá chưa giải ngân. Một số đơn vị được giao vốn, dự toán thiếu quyết liệt trong triển khai thực hiện, thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch; chưa thực hiện nghiêm các chỉ đạo và giải pháp của Trung ương và tỉnh; chưa theo dõi sát việc thực hiện các dự án…

Tiếp đến, một số chính sách mới, các đơn vị cần nghiên cứu, tìm giải pháp thực hiện phù hợp nên các đơn vị thực hiện còn nhiều lúng túng; việc áp dụng Luật Đấu thầu mới cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, việc trùng các đối tượng thụ hưởng của 3 chương trình cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dự án chưa giải ngân được. Nhiều đơn vị được giao vốn đã triển khai thực hiện, nhưng đến nay chưa làm thủ tục thanh quyết toán và đang thực hiện vấn đề này.

vna_potal_kien_giang_khoi_sac_vung_dong_bao_dan_toc_khmer_7314604.jpg
Những con đường nông thôn được đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Giồng Riềng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Tỉnh Kiên Giang, có 11/15 huyện, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; có 49 xã được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc; dân số là người dân tộc thiểu số hơn 259.460 người, chiếm tỷ lệ 14,78% dân số toàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn thời gian qua, tỉnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vùng dân tộc khá đồng bộ, cơ bản đảm bảo giao thông nông thôn thuận tiện, điện lưới quốc gia, hệ thống thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hạ tầng viễn thông phát triển đồng bộ, phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân trên địa bàn.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang chia sẻ, đời sống của đồng bào dân tộc không ngừng cải thiện, nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hiện chỉ còn 2,4% trong đồng bào dân tộc. Đến nay, có 42/49 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để cải thiện điều kiện sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Cụ thể như: chính sách phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi, tăng cường y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, giáo dục và đào tạo, bảo tồn và phát triển các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhà ở, nước sinh hoạt và cải thiện vệ sinh môi trường, lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số.../.

Lê Huy Hải

Có thể bạn quan tâm