Tập luyện thể dục giúp cải thiện tình trạng bệnh ở người ung thư giai đoạn cuối

Tập luyện thể dục giúp cải thiện tình trạng bệnh ở người ung thư giai đoạn cuối

Một nghiên cứu mới của Đại học Edith Cowan (ECU) tại Australia cho thấy việc tập luyện thể dục sẽ mang lại hiệu quả cải thiện tình trạng bệnh cho người ung thư giai đoạn cuối.

Theo đó, các nhà khoa học từ ECU cho biết nghiên cứu của nhóm chỉ ra rằng môi trường hóa học bên trong cơ thể nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối có thể thay đổi sau 6 tháng tập luyện và lượng protein "myokine" giúp cưỡng chế phát triển tế bào ung thư cũng sản sinh nhiều hơn. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Ung thư và các bệnh tiền liệt tuyến ngày 14/12 cho biết mỗi lượt tập thể dục cường độ cao sẽ giúp sản sinh ra nhiều protein myokine hơn và tăng khả năng chống chọi với bệnh ung thư.

Các nhà khoa học đã mời 9 bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối tham gia nghiên cứu và lấy huyết thanh ngay trước và sau tập thể dục cường độ cao với thời lượng tập là 34 phút và tiếp tục lấy mẫu sau 30 phút tập luyện. Kết quả cho thấy huyết thanh lấy ngay sau khi luyện tập chứa lượng myokines cao hơn, với hiệu quả kiềm chế tế bào ung thư phát triển là khoảng 17%. Lượng myokine trong huyết thanh và khả năng kiềm chế tế bào ung thư trở về mức bình thường sau 30 phút.

Theo Giáo sư Rob Newton trực tiếp giám sát nghiên cứu, kết quả trên giúp hiểu hơn vì sao bệnh nhân ung thư có thói quen tập thể dục thì bệnh cũng tiến triển chậm hơn và thời gian sống lâu hơn. Đây là một cách làm giảm nhẹ tình trạng bệnh, không phải điều trị triệt để nên cuối cùng bệnh nhân cũng vẫn đến lúc không qua khỏi nhưng có bằng chứng cho thấy tập luyện giúp kéo dài thời gian sống và tăng lượng protein myokine. Theo chuyên gia này, dù chưa biết liều lượng tập thể dục thích hợp nhất nhưng nhóm nghiên cứu gợi ý tập luyện khoảng hơn 20 phút mỗi ngày bao gồm các bài tập rèn sức bền, phát triển cơ bắp để thúc đẩy sản sinh myokine.

Lê Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm