Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN |
Các đại biểu được trang bị những kiến thức cơ bản về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, những điểm mới về chính sách và những thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, hội nghị còn đề cập đến vai trò, trách nhiệm định hướng của báo chí trong công tác tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 119,7 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó 84% sử dụng điện thoại thông minh, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, gần 64 triệu người đang sử dụng internet và 58 triệu tài khoản facebook, nhiều người đã lập những hội, nhóm để chia sẻ thông tin, trong đó có những thông tin liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu - TTXVN |
Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi đề nghị, các Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các cấp các ngành, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội và các cá nhân nâng cao nhận thức về việc thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở, triển khai tuyên truyền về lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phù hợp với mỗi vùng miền. Các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền một cách đồng bộ, có trọng tâm, đa dạng về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; cần có giải pháp mở hoặc duy trì chuyên trang, chuyên mục, lan tỏa các điển hình tiên tiến trong thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời phản ánh những hành vi tiêu cực, cố tình vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Thời gian qua, công tác truyền thông về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên báo chí còn tồn tại một số hạn chế như: Các tin, bài chủ yếu ở dạng phản ánh thông tin, chưa nêu rõ ý nghĩa, tác dụng của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là đối với người nghèo, người dân vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số... Một số cơ quan báo chí còn chủ yếu đưa lại tin, bài của cơ quan khác, không có phóng viên chuyên sâu. Trăn trở hiện nay của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là phải làm gì để truyền thông hiệu quả về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh công nghệ thông tin, internet ngày càng phát triển và phổ biến sâu rộng trong nhân dân. Do vậy, việc định hướng, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả truyền thông về các vấn đề xã hội nói chung và về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng trên báo chí hiện nay là rất cần thiết.
Hoài Thu