Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dân tộc tại Bạc Liêu

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dân tộc tại Bạc Liêu

* Triển khai đồng bộ có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Theo Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên, trong 5 năm qua (2014 – 2019), Bạc Liêu đã triển khai đầy đủ chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; vận động, tuyên truyền các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, hệ thống điện, đường, trường, trạm và nước sạch được đầu tư đồng bộ và theo hướng kiên cố và vững chắc, làm thay đổi một cách cơ bản, toàn diện bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì thường xuyên. Tỉnh đã hỗ trợ hơn 28.600 lượt hộ nghèo thuộc các dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 94 tỷ đồng để thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề, mua trang thiết bị phục vụ sản xuất; trao tặng hàng chục căn nhà tình thương và hàng chục nghìn suất quà cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số…
Tỉnh Đoàn Bạc Liêu trao các phần quà cho các hộ gia đình chính sách. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN.
Tỉnh Đoàn Bạc Liêu trao các phần quà cho các hộ gia đình chính sách.
Ảnh: Nhật Bình - TTXVN.
Đặc biệt, nguồn vốn hơn 128 tỷ đồng thuộc Chương trình 135 được các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả đã mang đến một cuộc sống mới cho đồng bào các xã đặc biệt khó khăn. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước, Bạc Liêu đã vận động được nhiều nguồn kinh phí để xây dựng 136 căn nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn về nhà ở; tặng nhiều suất học bổng và xe đạp cho học sinh, sinh viên; tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí hàng ngàn lượt đồng bào dân tộc thiểu số… Bạc Liêu đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại Bạc Liêu có gần 21.000 hộ dân tộc thiểu số với gần 90.000 người, chiếm hơn 10% dân số của tỉnh (Bạc Liêu có tổng cộng trên 223.000 hộ với trên 900.000 người), trong đó, dân tộc Hoa là 15.835 người, dân tộc Khmer là 73.410 người và các dân tộc khác là 284 người. Tổng số hội nghèo trong tỉnh là trên 8.800 hộ, chiếm 4,3%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số có trên 1.600 hộ, chiếm 18,3% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; hộ cận nghèo thuộc các dân tộc thiểu số gần 2.000 hộ, chiếm hơn 17,3%. Hàng năm, hộ nghèo thuộc các dân tộc thiểu số giảm 4,5%. Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên cũng khẳng định: Bạc Liêu vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác trong tỉnh; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc có nguy cơ mai một; tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo sinh kế và giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số và người làm công tác dân tộc thiếu số còn thiếu so với nhu cầu thực tế; việc đầu tư kinh phí cho bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chính sách dân tộc cho đồng bào dân tộc thiếu số còn dàn trải, chưa đồng bộ và chưa được kịp thời; nhận thức vươn lên thoát nghèo của vùng đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế, đồng bào dân tộc chưa ý thức đến việc tích lũy để tái đầu tư phát triển kinh tế, có thu nhập bền vững nên khả năng tái nghèo cao…* Giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương khẳng định, trong thời gian tới, Bạc Liêu tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số như: đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; thực hiện tốt các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ cơ sở, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; quan tâm và phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để người có uy tín tham gia nhiều và trực tiếp hơn vào các công việc của địa phương; chú trọng xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, để thực hiện tốt công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần quán triệt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng; đồng thời, nghiên cứu, vận dụng các chính sách, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước, lồng ghép các chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn và của mỗi dân tộc. Cùng với đó, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tính tự giác, chủ động của đồng bào, các tổ chức chính trị – xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền để từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và gương mẫu đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng của địa phương; phát huy tính tự lực tự cường, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; phấn đấu, ra sức thi đua hăng hái lao động sản xuất, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bạc Liêu tham gia sửa hơn 3,2km tuyến đường bê tông nông thôn. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bạc Liêu tham gia sửa hơn 3,2km tuyến đường
bê tông nông thôn. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN.
Theo Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên, trong 5 năm tới (2019 – 2024), Bạc Liêu quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn 2 – 3% (bình quân hàng năm giảm từ 3 – 5%); số trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi (6 – 14 tuổi) đến trường đạt từ 99% trở lên; giảm 100% xã và ấp đặc biệt khó khăn; tỷ lệ lao động qua đào tạo của đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 70% trở lên, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định đạt từ 85 – 90%; trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 99% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 90% cán bộ, công chức được bồi dưỡng kiến thức dân tộc… Đê thực hiện các mục tiêu này, ông Trần Hoàng Duyên cho biết: Bạc Liêu cần tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong công tác dân tộc; tập trung chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo, xác định nhiệm vụ giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm; gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực xã hội khác để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe. Tỉnh cũng huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị, vận động mọi nguồn lực để đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho người nghèo; có chính sách thu hút đầu tư, tạo sinh kế, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, có kế hoạch giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số tốt nghiệp. Bạc Liêu sẽ tiếp tục thực hiện công tác nắm bắt tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động, tiếp tục giải quyết kịp thời đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc, trưởng các dòng tộc; đẩy mạnh thông tin truyền thông, hỗ trợ và nâng cao mức tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào dân tộc; từng bước hạn chế, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Cùng với đó, tỉnh tăng cần cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc; đảm bảo các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả; khuyến khích người dân, các tổ chức tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đối với vùng dân tộc thiểu số, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo của đồng bào dân tộc thiểu số và các vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, công tác dân tộc. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí để tuyên truyền chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, giúp đồng bào dân tộc hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước.
Nhật Bình

Có thể bạn quan tâm