Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng

Tại Tọa đàm bảo tồn thiên nhiên và phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 29/7 tại Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, lâu nay chúng ta tiếp cận rừng dưới góc độ kỹ thuật lâm sinh, lâm nghiệp mà chưa tiếp cận theo giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Đã đến lúc nhìn rừng ở tính đa dụng, đa chức năng, đa văn hóa để phát triển sinh kế cho người dân ở vùng đệm các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn.

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng ảnh 1Đồng bào dân tộc tham gia trồng cây tại khu vực rừng đặc dụng xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Việt Nam đã thiết lập được 167 khu rừng đặc dụng, hệ thống rừng đặc dụng là nơi bảo tồn, phát triển và lưu giữ hầu hết đa dạng sinh học của quốc gia, nguồn gen quý hiếm. Đây cũng là nơi sở hữu cảnh quan thiên nhiên vô cùng độc đáo, phong phú; nơi gìn giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử- văn hóa, tín ngưỡng gắn với đời sống của người dân địa phương.

Những giá trị của hệ sinh thái không dừng lại ở yếu tố phi vật chất mà còn mang lại giá trị to lớn về vật chất và môi trường sống. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng và phát huy các giá trị đa dụng của rừng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng các giá trị to lớn của hệ sinh thái rừng.

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng ảnh 2Nhiều thanh niên ở huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có việc làm nhờ mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng của Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với gần 1,2 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, độ che phủ rừng năm 2022 là 58,36%. Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đánh giá, các vườn quốc gia với sự đa dạng và độc đáo về hệ sinh thái là vốn quý. Nhưng với sự phát triển của đời sống xã hội thì ngày càng chịu tác động, thậm chí đe dọa nghiêm trọng tới mức hệ sinh thái tự nhiên có thể mất đi chức năng nuôi dưỡng điều hòa, cân bằng sự sống của muôn loài; trong đó có con người.

Vùng đệm của các vườn quốc gia có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái quý giá. Vùng đệm cũng là vùng sinh thái của động đồng dân cư, người đã gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, rừng và đây cũng là nguồn sống của họ.

Theo ông Nguyễn Văn Thông, đang có sự xung đột sâu sắc giữa các mục tiêu lớn. Đó là phát triển xã hội với bảo vệ tự nhiên; phải chăm lo đời sống của người dân trên địa bàn với việc đảm bảo ổn định lâu dài trong khu vực; trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên với công bằng xã hội dân cư ở các vùng miền khác nhau. Để duy trì cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế là thách thức lớn rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thông cho rằng, cần xây dựng những mô hình phát triển kinh tế mang tính bền vững, tập trung vào việc bảo vệ và khai thác có trách nhiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho cộng đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tham gia và đóng góp tích cực vào việc bảo tồn môi trường.

Với quan điểm “sinh kế đi đầu là kinh tế, tạo kinh tế cho người dân thì người dân sẽ bảo vệ rừng”, ông Bùi Phi Điệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị, Yên Thủy, Hòa Bình chia sẻ, xã đã phối hợp cùng Vườn quốc gia Cúc Phương tạo sinh kế bền vững cho 4 thôn giáp vườn.

Để tạo sinh kế cho vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương, xã Yên Trị đã liên kết bảo tồn cây xạ đen có tính đặc hữu của tỉnh Hòa Bình (nguồn gốc từ Vườn quốc gia Cúc Phương). Đồng thời, qua phối hợp cùng Vườn quốc gia Cúc Phương, xã đã khoanh nuôi bảo tồn phát triển được vùng dược liệu với trên 300 loài; thành lập hợp tác xã chế biến sản phẩm dược liệu và xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP từ dược liệu đó. Người dân ở vùng đệm đều trở nên giàu có nhờ hưởng lợi ích từ rừng với các giá trị nông, lâm sản.

Tạo sinh kế cho người dân vùng đệm rừng đặc dụng ảnh 3Hạt kiểm lâm huyện Thạch Thành, thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đang triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như Trà hoa vàng Hàm Yên và Trà hoa vàng Cúc Phương tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 2021-2023). Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện rừng tự trồng chiếm 31%; rừng tự nhiên chiếm 69%, khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng. Giá trị của hệ sinh thái rừng Việt Nam bao gồm: cung cấp nguyên liệu, cung cấp lâm sản ngoài gỗ, du lịch, dịch vụ môi trường rừng, hấp thụ và lưu giữ cac-bon rừng.

Giải quyết các xung đột cũng như tháo gỡ khó khăn trong phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, phát triển kinh tế vùng đệm…, ông Trần Quang Bảo cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng “Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2023 làm cơ sở triển khai thực hiện.

Việc xây dựng đề án dựa trên quan điểm phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng theo vùng, đảm bảo hài hòa lợi ích về kinh tế - xã hội – môi trường, chú trọng nâng cao thu nhập người làm nghề rừng; tổ chức sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo thêm việc làm mới. Đề án sẽ khai thác các giá trị hệ sinh thái rừng gắn với tri thức bản địa và lợi thế cảnh quan; xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia; trong đó, đặt người dân là trung tâm trong phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm