Tạo hành lang pháp lý, cơ chế tài chính để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh từ xa

Tạo hành lang pháp lý, cơ chế tài chính để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh từ xa

Ngày 22/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện khu vực phía Nam nhằm phổ biến các quy định cũng như tiếp thu ý kiến góp ý của các bệnh viện về Đề án "Khám chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025.

Tạo hành lang pháp lý, cơ chế tài chính để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh từ xa ảnh 1Bác sỹ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN

Tiến sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, Đề án "Khám chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025 (Đề án 2826) được Bộ Y tế phê duyệt ngày 22/6/2020 với mục tiêu mọi người dân đều được tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến trung ương thường kỳ và đột xuất.

Theo đó, Bộ Y tế xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm các bệnh viện trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thông qua hoạt động khám, chữa bệnh từ xa. Đây là biện pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt  là người dân vùng sâu, xa, khó khăn.

Đề án cũng góp phần giảm chi phí khám chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí cho người dân. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đề án 2826 giúp giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong giai đoạn đầu, Bộ Y tế đã chỉ định 26 bệnh viện vào danh sách bệnh viện hạt nhân. Đến ngày 15/10/2020, đã có thêm 7 bệnh viện đủ năng lực đăng ký tham gia làm tuyến trên và 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới đăng ký được hướng dẫn, kết nối với các bệnh viện tuyến trên.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện khám chữa bệnh từ xa, chỉ đạo tuyến tại Hội nghị, đại diện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng trước hết, để hoạt động khám chữa bệnh từ xa hiệu quả, các bệnh viện cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến. Đồng thời, các bệnh viện cần tăng cường hoạt động hội chẩn trực tuyến theo chuyên ngành; phát triển ứng dụng thực hành mô phỏng y học trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; phát triển hệ thống hội chẩn cấp cứu từ xa (TeleICU).

Tại khu vực phía Nam, đại diện các bệnh viện đã có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện hội chẩn, chỉ đạo tuyến, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2...) bày tỏ băn khoăn về hành lang pháp lý và cơ chế tài chính trong quá trình thực hiện Đề án.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Long, Trưởng phòng Phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Chợ Rẫy), bày tỏ, Đề án 2826 vướng thông tư của Bộ Y tế về phân tuyến kỹ thuật và thông tư về kỹ thuật mới, phương pháp mới; do đó cần có quy định rõ, hội chẩn từ xa nhưng không được vượt khả năng chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới. Ví dụ, với những bệnh vượt quá khả năng của bệnh viện tuyến dưới thì bắt buộc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên chứ không thể mời hội chẩn từ xa.

Ngoài ra, theo đại diện một số bệnh viện, Đề án "Khám chữa bệnh từ xa" có ý nghĩa thiết thực đối với người dân và các bệnh viện tuyến dưới; song quá trình thực hiện còn gặp khó khăn về hành lang pháp lý, cơ sở vật chất trang thiết bị cũng như cơ chế tài chính cho các chuyên gia tham gia hội chẩn.

Bộ Y tế cần chuẩn hóa quy trình khám chữa bệnh từ xa, tạo hành lang pháp lý và cơ chế tài chính phù hợp để các bệnh viện triển khai. Bên cạnh đó, chế độ thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh được hội chẩn từ xa cũng cần phù hợp. Nhiều đơn vị đề xuất Bộ Y tế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa cho các bệnh viện hạt nhân.

Kết luận Hội nghị, Tiến sĩ Cao Hưng Thái cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến của các bệnh viện, Bộ Y tế sẽ từng bước hoàn thiện quy trình, cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật... để quá trình triển khai Đề án 2826 được thông suốt. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ mở rộng đối tượng tham gia khám chữa bệnh từ xa là các bệnh viện tư nhân, bệnh viện thuộc ngành công an, quân đội và bệnh viện ở các nước khác như Lào, Campuchia...

Các cơ sở y tế tuyến dưới được phép đăng ký kết nối với bệnh viện tuyến trên cũng được mở rộng tới các trạm y tế, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa và thậm chí đến tận nhà của người bệnh mắc các bệnh mạn tính./.

Đinh Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm