Tạo bứt phá cho loại hình sách nói

Tạo bứt phá cho loại hình sách nói

Việc áp dụng công nghệ đã trở thành xu hướng trong lĩnh vực xuất bản. Bên cạnh sách điện tử (e-book), sách nói (audio book) đã trở thành công cụ không thể thiếu đối với nhiều bạn trẻ. Năm 2023, dù có sự bứt phá mạnh mẽ so với các loại hình xuất bản khác nhưng sách nói mới chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong thị phần ngành xuất bản. Thời gian tới, cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy thị trường sách nói phát triển hiệu quả.

Việc áp dụng công nghệ đã trở thành xu hướng trong lĩnh vực xuất bản. Bên cạnh sách điện tử (e-book), sách nói (audio book) đã trở thành công cụ không thể thiếu đối với nhiều bạn trẻ. Năm 2023, dù có sự bứt phá mạnh mẽ so với các loại hình xuất bản khác nhưng sách nói mới chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong thị phần ngành xuất bản. Thời gian tới, cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy thị trường sách nói phát triển hiệu quả.

sachnoi.jpg
Thực hiện thu âm sách nói tại Công ty cổ phần Fonos phục vụ độc giả trên ứng dụng. Ảnh: vovworld.vn

Truyền tải ấn phẩm, tri thức mới một cách thú vị, nhanh chóng

Theo Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh (APA), doanh thu sách nói toàn cầu đã tăng mạnh trong 10 năm qua. Ước tính, thị trường sách nói của thế giới sẽ đạt quy mô trên 30 tỷ USD vào năm 2030. Điều này cho thấy, chuyển dịch từ vận hành truyền thống sang kỹ thuật số là hướng đi đúng đắn của ngành xuất bản.

Tại Việt Nam, sách điện tử, sách nói đã ghi những dấu mốc ấn tượng. Từ năm 2015, một số nhà xuất bản bắt đầu thử nghiệm xuất bản xuất bản phẩm điện tử với khoảng 1.163 đầu sách, hầu hết là sách sao chép từ sách in để bán qua trang web. Từ năm 2016 đến 2018, số lượng đầu sách điện tử giảm mạnh do các nhà xuất bản tạm dừng xuất bản để hoàn thiện quy trình, hồ sơ đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật về xuất bản. Năm 2019, các nhà xuất bản tiếp tục đầu tư phát triển xuất bản phẩm điện tử, số lượng xuất bản khoảng 2.400 đầu sách. Đến tháng 11/2023, toàn quốc có 22 nhà xuất bản đăng ký và được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; 20 doanh nghiệp phát hành đăng ký và được xác nhận đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Năm 2023, toàn ngành Xuất bản, doanh thu ước đạt 99.700 tỷ đồng (giảm 2% so với năm 2022); tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.378 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2022). Một số số liệu nổi bật của ngành có thể kể đến như: Quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch)...

Nắm bắt thị hiếu của công chúng, nhiều nhà xuất bản đã xây dựng các nền tảng, ứng dụng về sách trên Internet. Hiện nay, sách nói có bản quyền đang được các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành đầu tư chuyên nghiệp về quy trình xuất bản, công nghệ xuất bản, thu hút hàng nghìn đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi, giúp độc giả tiếp cận kho tàng sách với nhiều thể loại như văn học, kinh doanh, kỹ năng sống, sách thiếu nhi... Các địa chỉ sách nói uy tín như https://sachnoi.com.vn; https://fonos.vn; https://sachnoi.me, https://voiz.vn.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số, các doanh nghiệp phát hành sách nói đã nỗ lực áp dụng rất nhiều phương thức để đưa sách nói đến độc giả như cung cấp các nội dung thu phí theo nhu cầu của người nghe; những nội dung này có sẵn trên các kho ứng dụng phổ biến như: Google Play; App Store. Một số doanh nhiệp phát hành đã chủ động ký hợp đồng độc quyền với các đối tác uy tín, nhà xuất bản, đơn vị phát hành và người làm podcast nổi tiếng...; tích hợp tính năng xem, đánh giá nội dung từ các chuyên gia; đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo đọc văn bản (AI Voice) để tối ưu chi phí sản xuất, tạo thế mạnh về công nghệ.

Một số diễn đàn sách nói phổ biến ở Việt Nam như: Hẻm Radio, Waka, Kho sách nói (đã chuyển thành nhóm nội bộ), Gác sách, Thư viện sách nói Hướng Dương, Sách nói Việt, Sách mp3, Trạm radio, Radio truyện, Radiotoday, Sách nói mẹ, các tài khoản YouTube, Facebook, Instagram cá nhân... Một số diễn đàn thể hiện rõ phân khúc thính giả khi tác phẩm được đọc chủ yếu là thể loại ngôn tình, kiếm hiệp, dã sử..., hướng đến người nghe trẻ tuổi. Các ứng dụng được đánh giá là tiện lợi với các tính năng như đánh dấu trang, quay lại vị trí đang nghe bất cứ lúc nào; tải sẵn nội dung về máy và nghe ngoại tuyến (offline) khi không có kết nối mạng; cá nhân hóa nội dung, cho phép người dùng trải nghiệm tối ưu hơn...

Đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số

Dù có sự bứt phá mạnh mẽ so với các loại hình xuất bản khác nhưng cần thẳng thắn thừa nhận rằng, sách nói hiện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong thị phần ngành xuất bản. Đây vẫn là thị trường giàu tiềm năng, cần có kế hoạch xây dựng, khai thác bài bản hơn.

Chia sẻ về định hướng phát triển thị trường sách nói thời gian tới, Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho biết sẽ chuyển đổi phương thức xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập. Phát triển thị trường sách điện tử, sách nói với mục tiêu đến năm 2025, số lượng xuất bản phẩm điện tử chiếm tỷ lệ 30% trong tổng số xuất bản phẩm xuất bản hằng năm. 100% nhà xuất bản thực hiện quy trình biên tập, đọc duyệt nội dung trên nền tảng công nghệ số. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ; công ty khởi nghiệp startup trong lĩnh vực podcast, âm thanh tham gia vào phát triển thị trường sách nói; tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xuất bản hiện đại, kết nối thị trường trong nước với các nước trong khu vực và quốc tế. Ngành sẽ kết hợp các nền tảng công nghệ với sách nói sẵn có, kết hợp việc đầu tư sử dụng âm thanh trí tuệ nhân tạo giúp giảm chi phí sản xuất file âm thanh thành phẩm, nâng cao chất lượng giọng đọc, phù hợp với nội dung của nhiều loại sách. Các doanh nghiệp Việt Nam cơ bản cung cấp nền tảng công nghệ để chuyển đổi sách nói AI, song song với việc hạn chế, đi đến loại bỏ các trang sách nói lậu đưa AI vào mà không xin phép tác giả hay đơn vị giữ bản quyền, thông qua các biện pháp phát hiện, xử lý nội dung vi phạm bằng âm thanh.

Bên cạnh đó, ngành tập trung hoàn thiện về mặt hạ tầng thanh toán, tăng cường phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS... để từng bước thay đổi nhận thức, thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt; tạo chuỗi liên kết sinh thái: các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp công nghệ, nền tảng thương mại, ngân hàng và cộng đồng nhằm phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng cho sách nói, mở rộng thị trường sách nói trong nước, đưa sách nói đến nhiều đối tượng bạn đọc.

Cơ quan quản lý tăng cường thanh, kiểm tra thị trường sách nói, phối hợp đề xuất các đơn vị có liên quan hạn chế, giảm thiểu, gỡ bỏ các trang web vi phạm bản quyền, hoặc kênh đọc sách không có bản quyền; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyển gỡ bỏ triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các e-book, sách nói trên mạng, nền tảng mạng xã hội...; xử lý các tổ chức, cá nhân xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử mà chưa được cấp phép, vi phạm quyền tác giả. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các công ty công nghệ nghiên cứu xây dựng các nền tảng ứng dụng, phần mềm chuyên biệt, ưu việt thích ứng với việc xuất bản, phát hành và quản lý xuất bản phẩm điện tử; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư công nghệ cho các nhà xuất bản để xây dựng hệ thống hạ tầng tiên tiến.

Trước mắt, năm 2024, các nhà xuất bản, phát hành sách cần nỗ lực chuyển mình, thích nghi với những yêu cầu mới của thị trường truyền thống, không ngừng thay đổi để đón đầu làn sóng chuyển đổi số phục vụ độc giả; có các giải pháp đột phá nhằm thực hiện phát triển lĩnh vực xuất bản, in, phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số; tạo sự đổi mới căn bản hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của các nhà xuất bản, cơ sở in, doanh nghiệp phát hành; từng bước hình thành mô hình, sản phẩm mới đáp ứng những thay đổi về nhu cầu, thói quen tiếp nhận, thụ hưởng thông tin của người dân trên nền tảng số - Cục trưởng Nguyễn Nguyên nêu rõ.

Phúc Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm