Tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

Tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ký Quy chế phối hợp. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ký Quy chế phối hợp.
Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Theo đó, Thanh tra Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao sẽ tăng cường phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; phòng chống tham nhũng; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ; trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu có liên quan; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức. Việc phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

 

Trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Thanh tra Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có trách nhiệm thường xuyên trao đổi, cung cấp cho nhau thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện quyền công tố và kiểm sát điều tra; kịp thời trao đổi thông tin về việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố của Thanh tra Chính phủ và về những nội dung vụ việc có liên quan đến lĩnh vực trọng điểm mà hai bên cùng quan tâm.

 

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thường xuyên phối hợp, hướng dẫn các cơ quan thanh tra nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong việc sơ kết, tổng kết, nhận định, đánh giá tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp thực hiện và đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trên cơ sở yêu cầu thực tiễn, mỗi bên có thể đề nghị bên kia cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng để thực hiện nhiệm vụ; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về trao đổi, quản lý, sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng.

Có thể bạn quan tâm