Ngày 1/7, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự phối hợp thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021 – 2030”. Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo có đại diện của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc; đại diện các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Đại sứ quán Ireland, Đại sứ quán Australia, Ngân hàng Thế giới, Dự án Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao Hiệu quả Kinh tế Sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (GREAT)…
Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là mục tiêu, chính sách, ưu tiên của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Thời gian qua, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng, tài trợ quốc tế. Với sự hỗ trợ đó, kinh tế - xã hội của khu vực này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có một số ý kiến: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng nghèo nhất của cả nước, nguyên nhân là các nguồn vốn đầu tư ở vùng dân tộc thiểu số còn tản mạn, nhỏ lẻ, phân tán, các nguồn đầu tư chưa thực sự gắn kết. Với mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần về cuộc sống và thu nhập so với miền xuôi của cả nước và giải quyết một cách cơ bản những tồn tại, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Đề án tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội vùng Dân tộc thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021 – 2030, một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể là rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để hỗ trợ Ủy ban Dân tộc thực hiện Đề án tổng thể, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tài trợ 2 triệu USD cho Dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực thể chế trong thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. ADB phối hợp với Ủy ban Dân tộc sẽ thực hiện 3 mục tiêu chính, đó là: Cơ chế chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường năng lực huy động và sử dụng vốn vay ưu đãi; giám sát chương trình dự án và nghiên cứu cơ chế chính sách.
Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực thể chế cho thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (Dự án TA6776), ADB báo cáo kết quả nghiên cứu khảo sát về cơ chế chính sách hiện hành đối với vùng DTTS.
ADB cho biết cơ chế phối hợp của các đối tác phát triển trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số bắt nguồn từ quan hệ đối tác chính thức được các đối tác phát triển hình thành nhằm hỗ trợ ngân sách cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn II, từ 2006-2010. Nghị quyết số 88/2019/QH14, phê duyệt Kế hoạch tổng thể, đã vạch ra mục tiêu và giải pháp chiến lược nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong số tám giải pháp chiến lược được vạch ra trong Nghị quyết, giải pháp đầu tiên là xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia Dân tộc và Miền núi, để trở thành công cụ chính nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể.
ADB xác định vai trò của các bên liên quan trong cơ chế phối hợp, trong đó, Ủy ban Dân tộc sẽ chủ trì cơ chế phối hợp. Sự tham gia của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong cơ chế phối hợp là rất cần thiết. Hội đồng Dân tộc là cơ quan giám sát Kế hoạch tổng thể, Chương trình Mục tiêu quốc gia Dân tộc thiểu số và Miền núi, cùng các chính sách khác về đồng bào dân tộc thiểu số. Sự tham gia của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ làm phong phú thêm đối thoại với các bên liên quan. Sự tham gia của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là bên liên quan quan trọng trong cơ chế phối hợp và hết sức cần thiết. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia Dân tộc thiểu số và Miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Dự án 8 về bình đẳng giới, cũng là một nội dung quan trọng để xử lý vấn đề bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số …
Các hoạt động của dự án TA6776 góp hần hỗ trợ cho quy trình của cơ chế phối hợp. Dự án TA6776 sẽ hỗ trợ cho Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc theo dõi tiến độ Kế hoạch tổng thể thông qua hỗ trợ kỹ thuật nhằm sử dụng Khung theo dõi kết quả. Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc sẽ được tăng cường năng lực nhằm học cách phân tích kết quả trong Khung theo dõi kết quả và sử dụng thông tin để lập báo cáo tiến độ, đánh giá và xây dựng chính sách…
Các ý kiến thảo luận cho rằng, đang có sự thiếu hụt trong cơ chế điều phối giữa các bên liên quan để thúc đẩy hợp tác và sử dụng nguồn lực hiệu quả để giải quyết tình trạng nghèo cho cộng đồng dân tộc thiểu số.
Đa số các ý kiến tại Hội thảo đều đề xuất cơ chế điều phối với sự giám sát của Chính phủ Việt Nam, trong đó Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối, chủ trì xây dựng cơ chế phối hợp với đặc trưng là một loạt các hội nghị điều phối với các bên liên quan gồm các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân; dự án TA6776 sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực để Ủy ban Dân tộc triển khai và quản lý cơ chế phối hợp theo hướng bên vững qua một chương trình tăng cường năng lực…
Kết thúc hội thảo, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết Ủy ban Dân tộc đã thành lập Ban quản lý các dự án để quản lý các dự án do nước ngoài tài trợ. Ủy ban Dân tộc cam kết phối hợp với ADB triển khai thực hiện và hoàn thành mục tiêu đề ra. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông tin tưởng rằng với nỗ lực quyết tâm và tinh thần hợp tác cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của ADB thì các chương trình dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số sẽ sớm được thực hiện và phát triển mạnh mẽ, bền vững…
Hoàng Tâm