Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch quốc gia

Một góc khu du lịch Tam Đảo. Ảnh: TTXVN
Một góc khu du lịch Tam Đảo. Ảnh: TTXVN

Ngày 25/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 170/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch quốc gia ảnh 1Một góc khu du lịch Tam Đảo. Ảnh: TTXVN

Khu du lịch quốc gia Tam Đảo có diện tích 10.723 ha, gồm: Phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Tam Đảo là 5.399 ha; khu vực chân núi Tam Đảo 4.561,5 ha; khu di tích và danh thắng Tây Thiên 477,6 ha, khu du lịch Tam Đảo 284,9 ha.

Ranh giới Khu du lịch quốc gia Tam Đảo được xác định như sau: Phía Đông Bắc và phía Đông giáp Vườn quốc gia Tam Đảo thuộc địa phận huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên; phía Đông Nam giáp Trường bắn Cam Lâm và đất rừng xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; phía Nam giáp đất lúa xã Minh Quang, huyện Tam Đảo; phía Tây giáp tỉnh lộ 302 đoạn qua thị trấn Hợp Châu, xã Hồ Sơn và xã Tam Quan, huyện Tam Đảo; phía Tây Bắc giáp đất rừng sản xuất các xã Bồ Lý, Yên Dương, huyện Tam Đảo và huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn. Trong chiến lược phát triển du lịch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt “Đề án phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tổng hợp, đánh giá tổng thể tài nguyên du lịch, nguồn lực, công tác quản lý, đề ra nhiều giải pháp, dự án phát triển du lịch. Mục tiêu của Vĩnh Phúc đến năm 2030 là xây dựng Tam Đảo thành thị xã đặc sắc về du lịch thông qua đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng số lượng cơ sở lưu trú, hoàn thiện hạ tầng giao thông, viễn thông, đào tạo nhân lực du lịch.

Cách thủ đô Hà Nội 60 km, cách sân bay quốc tế Nội Bài 40 km, Khu du lịch quốc gia Tam Đảo là địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh độc đáo và du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, thu hút hàng vạn du khách tới thăm quan mỗi năm. Việc Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch quốc gia là cơ hội để tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đầu tư phát triển vào các lĩnh vực dịch vụ du lịch, góp phần quan trọng để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nguyễn Thảo

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm