Đây là mô hình trưng bày tái hiện không gian văn hóa truyền thống của người Việt, được dựng lên tương đối hài hòa với cảnh quan khu di tích. “Không gian Việt” được đặt trong khuôn viên hơn 2.000 m2 tại Khu di tích Cổ Loa gồm 3 ngôi nhà gỗ, 6 mái nhà tranh thiết kế theo kiểu truyền thống và hơn 20 gian hàng tre bày bán các sản phẩm đặc trưng của Cổ Loa và vùng đồng bằng Bắc bộ. Đến đây, khách tham quan được trải nghiệm và thưởng thức không khí, hương vị của làng quê truyền thống Việt Nam với nhà tranh đơn sơ, cảnh vật mộc mạc, với những phong tục tập quán, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làng nghề được tái hiện thật gần gũi, bình dị.
Nghi lễ rước kiệu vua tại Lễ hội Cổ Loa 2017. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
“Không gian Việt” còn là nơi giao lưu và thưởng thức các sản phẩm đặc trưng vùng Cổ Loa và đồng bằng Bắc bộ khi du khách đến thăm quần thể di tích tâm linh Cổ Loa.
Khu trưng bày “Không gian Việt” mở cửa đón khách miễn phí từ ngày 1/2 đến hết mùa Lễ hội Cổ Loa Xuân Mậu Tuất, ngày 21/2 (tức mùng 6 Tết). Trong 4 ngày đầu dịp khai mạc, tại “Không gian Việt” diễn ra nhiều hoạt động văn hóa: trưng bày cây cảnh nghệ thuật, đồ thủ công mỹ nghệ, ca nhạc dân tộc, đặc sản ẩm thực và trò chơi dân gian, đặc biệt là có sự tham gia biểu diễn rối nước của phường rối Đào Thục.
Vào cuối năm 2017, Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa cũng đưa chương trình biểu diễn nghệ thuật hát ca trù phục vụ khách du lịch tại di tích. Chương trình do các nghệ nhân Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà (huyện Đông Anh) biểu diễn, đồng thời giới thiệu cho du khách trải nghiệm một số kỹ thuật hát và các loại nhạc khí trong ca trù. Đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại Khu di tích Cổ Loa, góp phần khôi phục, gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật hát ca trù, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Đinh Thị Thuận
TTXVN