Sức trẻ góp phần thay đổi nông thôn vùng cao Lào Cai

Sức trẻ góp phần thay đổi nông thôn vùng cao Lào Cai
Xây dựng nông thôn mới là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để chương trình đạt được hiệu quả cao cần có sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, trong đó thanh niên nói chung và thanh niên nông thôn Lào Cai nói riêng có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng.
Sức trẻ góp phần thay đổi nông thôn vùng cao Lào Cai ảnh 1Mô hình “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch” của chị Đỗ Thị Kim Dung tại xã Sa Pả (Sa Pa). Ảnh: laocai.gov.vn
Xung kích đi đầu làm giàu chính đáng

10 năm qua, nhiều thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số Lào Cai đã xung kích đi đầu làm giàu chính đáng trên quê hương. Tận dụng thế mạnh về điều kiện tự nhiên của Sa Pa, tháng 10/2016, Hợp tác xã rau củ quả Thắng Lợi đã mạnh dạn thuê đất của người dân thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa với thời hạn 10 năm để thực hiện dự án “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch”. Dự án có tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng. Sau 3 tháng triển khai mô hình, thành công bước đầu đã đến khi cây dâu tây sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. 2,5 ha dâu tây do Hợp tác rau củ quả Thắng Lợi trở thành một hình thức trải nghiệm độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và mua sản phẩm. Trung bình một ngày vườn dâu thu hút 100 lượt người với giá bán từ 200 - 250 nghìn đồng/kg. Vào dịp cuối tuần vườn dâu đón khoảng 200 lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Nhờ đó, vụ dâu năm 2018 Hợp tác xã thu được trên 1,5 tỷ đồng.

Để làm phong phú sản phẩm nông nghiệp, sau khi hết vụ dâu tây, Hợp tác xã trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày có giá trị dinh dưỡng cao như: dưa hấu, dưa lưới, dưa chuột bao tử, dưa lê, dưa pepino. Trong đó dưa pepino là loại cây trồng song song với cây dâu tây. Hiện nay, các loại cây này đều sinh trưởng và phát triển tốt, một số cây đã cho thu hoạch như dưa bao tử, dưa pepino. Chị Đỗ Thị Kim Dung, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau củ quả Thắng Lợi, xã Sa Pả, huyện Sa Pa cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này mô hình “Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với phát triển du lịch” đã bước đầu thu được kết quả như: việc sử dụng nhà lưới nhằm ngăn côn trùng, các giá thể trồng trên giá không bị phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố thời tiết, hạn chế việc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc kết hợp du lịch vào mô hình cũng giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả quảng bá đến người dân và du khách.

Dự án được triển khai thành công đã góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp họ nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho gia đình, người dân trong việc sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện Hợp tác xã tạo việc làm cho 14 người dân tộc thiểu số của địa phương. Thu nhập trung bình của mỗi lao động đạt 5,5 triệu đồng.

Trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn thanh niên tỉnh Lào Cai duy trì 9 Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện, thành lập mới và duy trì 85 Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp xã; duy trì có hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; xây dựng 243 mô hình thanh niên phát triển kinh tế có thu nhập từ 50 triệu trở lên. Để hỗ trợ các mô hình kinh tế hay, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các công đoạn ủy thác. Đến nay, tổng dư nợ do đoàn viên thanh niên quản lý là 672 tỷ đồng với 16.855 hộ vay vốn và 564 tổ vay vốn tiết kiệm. Các cấp bộ Đoàn cũng duy trì 9 Đội thanh niên xung kích chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên 9 huyện, thành phố. Qua đó, các cấp bộ đoàn thanh niên đã tổ chức 846 đợt tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho 34.509 đoàn viên thanh niên và nhân dân; giúp đỡ 5. 058 hộ nghèo, 3.180 hộ cận nghèo do thanh niên làm chủ về vốn, con giống cây giống…

Mới đây, dự án "Sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao" của chị Đỗ Thị Kim Dung và dự án "Phát triển du lịch cộng đồng thôn Nậm Than" của anh Vù A Va tại huyện Sa Pa lọt vào vòng bán kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2019. Điều đó minh chứng cho sức sáng tạo của thanh niên nông thôn Lào Cai trong phong trào khởi nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Mỗi thanh niên một việc tốt

Với phương châm hành động “Mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở Đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh đoàn Lào Cai đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với đoàn cơ sở thực hiện nhiều công trình, phần việc cụ thể góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2015 đến năm 2018, đoàn viên thanh niên Lào Cai đã xây dựng 15 cầu nông thôn do Tỉnh đoàn Lào Cai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 14, 9 tỷ đồng. Đến nay các công trình đã hoàn thành và góp phần quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bản các xã khó khăn. Đặc biệt, công trình đường thanh niên tiêu biểu toàn quốc 26/3 thuộc về phần việc của đoàn viên thanh niên Lào Cai thực hiện tại xã Tả Phời với chiều dài lớn nhất (7,5 km), lượng bê tông, số lượng đoàn viên thanh niên tham gia nhiều nhất và hoàn thành trong thời gian ngắn nhất (46 ngày).

Tiếp nối thành công đó, các cấp bộ Đoàn tại địa phương đã thực hiện 3.264 công trình thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới, cấp phát 2.000 tấn xi măng cho 2.100 hộ nghèo thuộc 24 xã biên giới, khó khăn; thắp sáng 121 km, đổ bê tông 285 km đường giao thông nông thôn; xây dụng 172 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu; xây mới 65 cầu giao thông nông thôn, 157 nhà văn hóa, 70 nhà nhân ái, nhà tình nghĩa, 123 sân chơi, khu thể thao thanh thiếu nhi; xóa 316 nhà tạm, nhà dột nát...

Để góp phần quan trọng xây dựng một xã hội nông thôn phát triển toàn diện, các cấp bộ Đoàn Lào Cai đã tích cực phát huy tinh thần xung kích trong các hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương. Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động đó là công trình "Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt". Công trình khởi công vào ngày 26/3/2016, với tổng vốn đầu tư xây dựng là trên 17 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đây là công trình quan trọng thể hiện ý chí, tinh thần xung kích tình nguyện của tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng quê hương, góp phần khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giáo dục chính trị, tư tưởng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, khẳng định vai trò, vị trí của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, cùng với 5 xã xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo trực tiếp giúp đỡ, Ban thường vụ Tỉnh đoàn Lào Cai đã lên kế hoạch giúp đỡ 22 xã biên giới xây dựng nông thôn mới. Trong đó, giao cụ thể cho các đơn vị trực thuộc mỗi năm tổ chức ít nhất 2 hoạt động giúp đỡ xã được phân công. Đến nay, đã có tổng cộng 205 hoạt động giúp đỡ được tổ chức, huy động nguồn lực xã hội hóa trên 3 tỷ đồng, thu hút 9.314 đoàn viên thanh niên tham gia, hưởng ứng. Đặc biệt, xã Phú Nhuận và xã Bản Qua (2 trong số 5 xã Tỉnh đoàn Lào Cai trực tiếp giúp đỡ) đã hoàn thành về đích nông thôn mới.

Theo ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai, đó không chỉ là những công trình hạ tầng, mô hình kinh tế cụ thể, mà quan trọng hơn, hình ảnh thanh niên được khẳng định vững chắc hơn trong công cuộc phát triển ở mỗi địa phương, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tuổi trẻ Lào Cai nói chung và thanh niên khu vực nông thôn nói riêng đã thể hiện được ý chí, quyết tâm, tinh thần đoàn kết xung kích trong phối hợp thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hương Thu
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm