Một góc phố núi Tây Giang sau 15 năm tái lập |
"Áo mới" sau 15 năm
Năm 2003, huyện Tây Giang được tái lập trên cơ sở tách huyện Hiên ra thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Huyện Tây Giang có 10 xã, trong đó có 8 xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Do địa hình đồi núi dốc, trước đây, bà con đồng bào dân tộc Cơ - tu thường sinh sống rải rác trên những sườn núi cao, tập quán sinh hoạt chủ yếu dựa vào tự nhiên, du canh, du cư. Trước thực trạng đó, các cấp chính quyền huyện Tây Giang đã xác định "có an cư mới lập nghiệp".
Đối với đồng bào Cơ - tu, Bác Hồ luôn là vị cha già dân tộc. Vì vậy, nhà nào cũng trang trọng đặt ảnh Bác Hồ trên bàn thờ và thờ như ông bà, tổ tiên của mình. |
Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của đòng bào Cơ - tu ở khu tái định cư xã A Xan đã khá hơn trước rất nhiều. |
Trong 15 năm xây dựng và phát triển, huyện đã tập trung quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, ổn định cuộc sống cho bà con xuống ở vùng thấp và tập trung, có khu nhà ở và khu sản xuất riêng biệt, không còn tình trạng chăn nuôi gia súc ngay sát nhà. Đến nay, huyện đã hoàn thành 84/95 điểm tái định cư mới, anh Đh'đêl Nhinh, dân tộc Cơ - tu ở thôn Arớt, xã Anông phấn khởi chia sẻ:" Chúng tôi được đến nơi ở mới vui lắm, bà con được quây quần sống bên nhau, từ đó chúng tôi giữ gìn và phát triển được nhiều vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ - tu. Nơi ở sạch sẽ, đường giao thông thuận lợi, chúng tôi sẽ phát triển kinh tế để làm giàu".
Huyện Tây Giang có 23 trường học các cấp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào dân tộc Cơ - tu. |
Khu tái định cư thôn Pơr’ning (xã Lăng) được xây dựng ngay gần đường giao thông trải nhựa liên xã, địa hình bằng phẳng, nhà ở của người dân được xây dựng theo mô hình truyền thống của đồng bào Cơ - tu theo hình vòng cung, Gươl ở giữa làng, xung quanh Gươl là các nhà Moong (nhà của các dòng họ) và người dân ở trong những ngôi nhà mái tôn chắc chắn, sạch sẽ. Đường bê tông bao quanh làng, hệ thống nước sinh hoạt và nhà vệ sinh được đầu tư xây dựng đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhộn nhịp khi có khách đến, bà con Cơ - tu vui vẻ tiếp đón chúng tôi bằng những điệu múa truyền thống, những món ăn đặc sản mang hương vị núi rừng. Già làng Bil Lộp, 80 tuổi, ở thôn Pơr' ning, xã Lăng chỉ tay lên dãy núi xa xa bồi hồi chia sẻ: “Trước đây bà con Cơ - tu ở trên núi vất vả lắm, đường đi xa xôi, trẻ con không chịu đi học, bà con chỉ biết làm rẫy cằn cỗi, không đủ ăn. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, bây giờ có nhà ở chắc chắn, con cháu đã biết nhiều thứ lắm rồi, cuộc sống của đồng bào Cơ - tu dần ổn định rồi”.
Những chiếc cầu treo bắc qua sông, suối đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của đòng bào Cơ - tu. |
Về nơi ở mới, vốn văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ - tu dần được khôi phục và bảo tồn. Ở khu trung tâm của các thôn bản mới đều có những ngôi nhà Gươl truyền thống. Nhà Gươl là "hồn" của đồng bào Cơ - tu, là biểu tượng sức mạnh cộng đồng của cha ông đã có từ ngàn xưa, là nơi bàn những công việc quan trọng, tổ chức lễ hội... và là nơi thể hiện sự gắn kết cũng như lưu giữ, bảo tồn, trao truyền những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Cơ - tu. Điệu múa Tung tung, Da dá, điệu chiêng, nhịp trống… luôn được bà con nơi đây coi trọng và giữ gìn.
Đồng bào Cơ - tu ở thôn Pơr'ning, xã Lăng biểu diễn điệu múa Tung tung, Da dá truyền thống trong nhịp chiêng, trống rộn rã, góp phần bảo tồn một nét văn hóa truyền thống. |
Cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, ổn định nơi ở, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nền tảng để bà con Cơ - tu bước đầu có kế hoạch phát triển du lịch. Huyện đã có kế hoạch thu hút một số công ty lữ hành du lịch đưa các tour du lịch từ Hội An, Đà Nẵng đến thăm quan các điểm du lịch văn hóa trên địa bàn huyện, như: Làng truyền thống Cơ – tu, khu du lịch sinh thái Đỉnh Quế, thôn văn hóa Pơr’ning, địa đạo Axòo, ruộng bậc thang Chuôr, rừng cây di sản Pơmu, rừng cây hoa đỗ quyên… Trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện Tây Giang đã đón trên 4.250 lượt khách đến tham quan.
Khu du lịch Đỉnh Quế, xã Tr'hy sẽ được phát triển thành điểm du lịch thu hút du khách đến với Tây Giang. |
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với nhiều nguồn vốn, chương trình dự án được lồng ghép đầu tư hiệu quả, huyện triển khai xây dựng phương án "Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu". Đây là gốc để các xã trong huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cả 10 xã trong huyện đã có điện lưới quốc gia, toàn huyện có 23 trường học với quy mô hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển của địa phương, hệ thống trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã đáp ứng kịp thời thuốc chữa bệnh, cấp cứu, điều trị cho nhân dân, bà con đã nhận thức được việc sử dụng dịch vụ y tế an toàn, không còn tình trạng sinh đẻ tại nhà, ốm đau dựa và thầy mo, thầy cúng… Hiện, Tây Giang đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Anông và xã Lăng.
Trung tâm y tế huyện Tây Giang với các bác sĩ được đào tạo bài bản, máy móc kỹ thuật hiện đại đã giúp đồng bào Cơ - tu yên tâm khám, chữa bệnh. |
Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Để xây dựng huyện Tây Giang ngày càng hoàn thiện, lãnh đạo huyện đã xác định việc sắp xếp bố trí ổn định dân cư là việc làm đầu tiên và hết sức quan trọng. Huyện đã tính toán để sắp xếp các khu dân cư có tính ổn định, lâu dài, đảm bảo cả về nơi ở và phải gắn với phát triển sản xuất. Các hạng mục hạ tầng cơ bản như đường giao thông, trường học, điện lưới được quan tâm hoàn thiện trước tiên để giúp bà con yên tâm ở và sản xuất. Đến nay, bà con được hưởng lợi từ những đầu tư của Nhà nước rất phấn khởi, tập trung làm kinh tế như trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, làm du lịch… đời sống bà đã được cải thiện đáng kể, diện mạo vùng nông thôn mới vùng biên ngày một khởi sắc”.
Kỳ vọng vùng biên
Nhận thức được vai trò của việc chuẩn hóa cán bộ, các cấp chính quyền huyện Tây Giang đã chú trọng việc sử dụng cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số ít người tại địa phương để cán bộ gần dân, sát dân hơn và am hiểu được phong tục tập quán của đồng bào, có điều kiện giúp dân làm kinh tế và vực dậy sự phát triển của địa phương. Đội ngũ người uy tín, già làng, trưởng bản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống đồng bào nơi đây. Huyện đã thường xuyên tổ chức tập huấn, tổ chức gặp mặt, động viên, giao lưu với đội ngũ người uy tín, già làng, trưởng bản để họ nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để truyền đạt lại cho bà con, để họ thực sự là cầu nối quan trọng, vững chắc giữa chính quyền với nhân dân và là trung tâm của đoàn kết dân tộc, bảo vệ an ninh biên giới bình yên.
Từ sự hỗ trợ của các chường trình, dự án xóa đói giảm nghèo, đồng bào Cơ - tu ở Tây Giang đã được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. |
Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, huyện Tây Giang đã có những chương trình đầu tư quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương. Tây Giang đã triển khai thành công việc bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu (ba kích, đẳng sâm, sâm Ngọc Linh), đẩy mạnh công tác trồng rừng và bảo vệ rừng. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống của đồng bào Cơ - tu được huyện chú trọng bảo tồn, phát triển và xây dựng thành những làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con và phục vụ du lịch. Từ những nỗ lực của Đảng bộ huyện và các cấp chính quyền địa phương trên mọi phương diện, tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Giang đã giảm từ 70% năm 2010 xuống dưới 48,4% năm 2017.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ - tu được bảo tồn, giữ gìn và phát triển thành những làng nghề truyền thống. |
Bí thư huyện ủy Tây Giang Bh’Ríu Liếc chia sẻ: “Sau 15 năm tái lập, là huyện miền núi vùng biên nhưng với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, bộ mặt nông thôn miền núi Tây Giang đã có nhiều đổi thay. Bà con đã bước đầu có cuộc sống tốt hơn ở những khu ổn định dân cư, văn hóa của bà con Cơ - tu được bảo tồn và ngày càng phát triển. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thành những khu ổn định dân cư, chú trọng đầu tư cơ sở vật chật cho đồng bào, khuyến khích bà con xây dựng “thôn nông thôn mới kiểu mẫu”, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đầu tư phát triển con người mới để đáp ứng được quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con và phấn đấu là huyện phát triển ổn định và bền vững của tỉnh Quảng Nam”.
Công viên Thống Nhất - điểm nhấn văn hóa, giải trí ở trung tâm huyện Tây Giang. |
Một diện mạo mới tươi đẹp, ổn định đang được Tây Giang khoác lên mình. Huyện phấn đấu đến hết năm 2018 sẽ có 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sống trong khu dân cư mới, ổn định và tăng gia sản xuất để sẵn sàng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Vẫn còn đó những gian khổ của một huyện vùng biên cách trở. Nhưng với quyết tâm, với những tiềm năng, lợi thế đang được đánh thức, kỳ vọng về bước phát triển mới của huyện Tây Giang đang dần thành hiện thực.
Hoàng Tâm – Nam Sương