Sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba” - Khát vọng của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số

Sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba” - Khát vọng của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số

Ngày 7/11, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ia Pa tổ chức sự kiện truyền thông “Chuyện bên dòng sông Ba”. Sự kiện là một phần của Dự án thành phần số 8, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì.

Sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba” - Khát vọng của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số ảnh 1Phần giao lưu tọa đàm với bà Nay H’Kuan, Bí thư Đảng ủy xã Chư Mố, Ia Pa, 1 tấm gương cho nhiều phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số nơi đây. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Sự kiện nhằm giới thiệu nét đẹp văn hóa, khó khăn và những thay đổi tích cực của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số Jrai, Ba Na ở huyện Ia Pa.

Dự án thành phần số 8 được triển khai tại bốn xã gồm Ia Broăi, Chư Mố, Ia KĐăm và Pờ Tó, trong đó hai xã Ia Broăi và Pờ Tó thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Dự án nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ, trẻ em trong thực hiện bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết như bạo lực gia đình, tập tục lạc hậu, nghèo đói, thiếu giáo dục, y tế và cơ hội phát triển.

Sự kiện gồm hai phần chính: Tọa đàm và triển lãm. Phần tọa đàm là không gian để đại diện chính quyền địa phương, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, hội viên phụ nữ và “người truyền cảm hứng” giao lưu, chia sẻ quá trình triển khai Dự án cũng như những kết quả ban đầu đạt được.

Trong số những “người truyền cảm hứng” tại sự kiện, bà Nay H’Kuan, Bí thư Đảng ủy xã Chư Mố, là tấm gương tiêu biểu cho nhiều phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số nơi đây. Bà đã vượt qua nghịch cảnh để có được thành công và trở thành một trong hai nữ Bí thư Đảng ủy cấp xã đầu tiên tại huyện Ia Pa.

Sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba” - Khát vọng của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số ảnh 2Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm “Chuyện bên dòng sông Ba”, 1 trong 2 phần chính của sự kiện. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Nhà bà ở vùng sâu, để đến trường phải lội qua sông suối vì không có đường, cầu. Học bậc Trung học Phổ thông, bà phải đi nhờ xe đạp với bạn hơn 10 km để lên thị xã Ayun Pa học. Nhờ gia đình động viên, bà quyết tâm học tập, có kiến thức, vươn lên thoát nghèo, bà Nay H’Kuan chia sẻ.

Phần triển lãm là nơi công chúng được chiêm ngưỡng hình ảnh chân thực nhất phản ánh cuộc sống thường ngày và những câu chuyện của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở huyện Ia Pa, qua cách tiếp cận nhân học, sử dụng tiếng nói của chính những người trong cuộc. Triển lãm được chia thành 4 chủ đề: Chuyện quanh ta; Về với đại ngàn; Chuyện bên dòng sông Ba; Khát vọng bên sông Ba.

Một trong những câu chuyện được giới thiệu tại triển lãm là “Bắt được chồng nhưng lại mang món nợ” của bà Ksor H’Djốt (53 tuổi, dân tộc Jrai, trú tại xã Ia Broăi, huyện Ia Pa). Bà H’Djốt chia sẻ, theo tập tục, phụ nữ Jrai muốn bắt chồng phải chịu nhiều sính lễ cho nhà trai, đám cưới cũng do nhà gái chuẩn bị, nhà trai không phải đóng góp. Vì thế nhiều gia đình con có được chồng nhưng lại mang món nợ lớn. Nếu người chồng biết thương vợ, cùng nhau làm ăn lo kinh tế để trả nợ thì may mắn, song thực tế nhiều ông chồng chỉ uống rượu không làm gì, thành ra nợ mẹ đẻ nợ con, cuộc sống rất vất vả...

Dự án thành phần số 8 không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của nhiều phụ nữ như bà H’Djốt mà còn xây dựng mô hình “Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi” ở các trường học. Đây là mô hình giúp trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái có tiếng nói, bình đẳng giới và bảo vệ bản thân. Các em được tiếp cận nhiều hơn với chương trình, chính sách về trẻ em, giáo dục và phòng ngừa bạo lực, xâm hại, buôn bán, bắt cóc, tảo hôn ở trẻ em.

Sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba” - Khát vọng của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số ảnh 3Sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba” là 1 hoạt động truyền thông của Dự án 8, khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Em Đinh Ydeng, người Ba Na, thành viên Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" Trường Trung học Cơ sở Lương Thế Vinh, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa cho biết, từ khi tham gia Câu lạc bộ, em được học tập kiến thức, kỹ năng giải quyết những vấn đề liên quan đến bản thân. Có sự thay đổi qua từng ngày, em dần tháo bỏ đi mặc cảm, tự ti của bản thân, mạnh dạn nói lên tiếng nói của riêng mình và tham gia tích cực hoạt động do nhà trường phát động.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết, Dự án thành phần số 8 giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, thúc đẩy quyền, trao cơ hội cho họ vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể trong xây dựng, phát triển cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững. Sự kiện “Chuyện bên dòng sông Ba” là hoạt động truyền thông của Dự án, tôn vinh, hỗ trợ và khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai nói riêng, phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số cả nước nói chung.

Sự kiện diễn ra từ ngày 7 - 9/11/2023, tại huyện Ia Pa. Đây là cơ hội để các cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng giao lưu, chia sẻ, hợp tác, quảng bá giá trị văn hóa đa dạng của đất nước Việt Nam.

Hoài Nam - Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm