Xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, phát triển cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi

Xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, phát triển cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi

Chiều 26/9, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức Diễn đàn giao lưu, chia sẻ mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với chủ đề “Lắng nghe con nói” tại tỉnh Bình Phước. Chương trình có sự tham dự của 100 thiếu nhi đại diện cho 7 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

Xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, phát triển cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi  ảnh 1Quang cảnh diễn đàn giao lưu, chia sẻ mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Tại diễn đàn, các đại biểu thiếu nhi đã được trao đổi, chia sẻ, lắng nghe, tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với trẻ em, những đề xuất của trẻ em, từ đó góp phần chung tay hành động xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng và phát triển cho trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngoài tham gia diễn đàn, các đại biểu thiếu nhi được tham gia hoạt động, tham quan triển lãm tranh và ảnh tuyên truyền về hoạt động của câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cũng như các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, tại Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước, nhất là tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ do đặc thù sông, suối, kênh dày đặc. Bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ tháng 9/2019 đến năm 2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 em là nữ. Nguy cơ bị xâm hại tại môi trường mạng ngày càng gia tăng.

Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vẫn tồn tại những rào cản liên quan đến phong tục tập quán, quan điểm truyền thống dẫn đến tình trạng bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Điều kiện tiếp cận với chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí của trẻ em còn khoảng cách giữa trẻ ở khu vực thành thị so với ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là mô hình đặc thù dành riêng cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi; tạo ra sân chơi, diễn đàn cho các em được tham gia, được trang bị kiến thức kỹ năng sống trong phòng ngừa, xóa bạo lực, xóa xâm hại; các kiến thức về giới, bình đẳng giới; các vấn đề liên quan đến trẻ em, giúp trẻ em có đủ năng lực tham gia vào quá trình xây dựng thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em; thúc đẩy trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái ngày càng mạnh dạn tự tin bày tỏ quan điểm đóng góp ý kiến tiên phong thay đổi bản thân và lan tỏa đến cộng đồng”, bà Tôn Ngọc Hạnh cho biết thêm.

Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một trong 4 mô hình quan trọng của Dự án được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp triển khai ở cộng đồng và trường trung học cơ sở tại địa bàn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo điều kiện phát huy vai trò, tiếng nói, sự tham gia của trẻ em, nhất là trẻ em gái vào hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo, trong gia đình và cộng đồng nơi trẻ em sinh sống, học tập.

Chỉ tiêu đặt ra của mô hình là đến năm 2025 sẽ hình thành được 1.800 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, qua đó duy trì, thu hút hơn 12.000 trẻ em từ 10 đến 16 tuổi tham gia rèn luyện các kỹ năng sống.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm