Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ ngày 1/6, người dân trên toàn quốc sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID khi đi khám, chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy. Ngày 31/5, cơ quan này đã ban hành Công văn số 1493/BHXH -CSYT gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân về việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hạn chế lây lan của dịch COVID-19
Nhằm tạo điều kiện cho người dân 10 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên bị lũ lụt (gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định) đi khám, chữa bệnh, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về việc thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên điện thoại thông minh để hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, từ cuối năm 2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương trên phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tới người tham gia.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, sau gần 6 tháng triển khai thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số (thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID) trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 10 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, đã có gần 10.000 lượt người sử dụng. Việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế đánh giá cao và đồng tình ủng hộ vì những lợi ích rất thiết thực mà ứng dụng mang lại.
Cài ứng dụng VssID, bên cạnh những tiện ích trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, như người sử dụng thẻ không lo mất, quên thẻ bảo hiểm y tế như đã xảy ra đối với thẻ bảo hiểm y tế giấy; giảm thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh của cả người tham gia và cơ sở khám, chữa bệnh, người dân còn được hưởng thêm nhiều tiện ích như: nhận thông tin về quá trình tham gia - thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thông báo thẻ bảo hiểm y tế sắp hết hạn; đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội ngay trên ứng dụng; tra cứu, quét mã QR thẻ bảo hiểm y tế, thẻ căn cước công dân để tự động điền các thông tin về mã số bảo hiểm xã hội, họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ,… thay cho việc nhập bằng tay trong phần khai thông tin đăng ký tài khoản. Người dùng cũng có thể giám sát nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động; góp phần công khai, minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp.
Cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng có lợi khi thực hiện các thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh nhanh chóng; thuận tiện trong việc đọc, ghi thông tin của người tham gia; không phải lo bảo quản thẻ bảo hiểm y tế giấy của người tham gia trong quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện… Cơ quan Bảo hiểm xã hội tiết kiệm được thời gian, chi phí trong quản lý và in thẻ bảo hiểm y tế; tạo thuận lợi trong công tác quản lý thẻ.
Kể từ khi chính thức công bố đưa vào sử dụng ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số đến ngày 3/5/2021, toàn quốc đã có gần 5,1 triệu lượt tải, cài đặt, đăng ký sử dụng, với trên 4,3 triệu hồ sơ hợp lệ được duyệt, đạt 16,99% so với tổng chỉ tiêu được giao.
Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, việc triển khai sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế càng có ý nghĩa quan trọng, giúp người dân hạn chế đi lại, không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm xã hội đối với các hoạt động liên quan tới thẻ bảo hiểm y tế giấy, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Triển khai trên toàn quốc từ 1/6
Từ những lợi ích thiết thực mang lại cho người tham gia và cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm tính bảo mật, an toàn khi sử dụng, hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế cho ý kiến thống nhất về việc sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên phạm vi toàn quốc, kể từ ngày 1/6 tới.
Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh báo cáo UBND tỉnh, phối hợp với Sở Y tế để chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện. Bộ Y tế thống nhất từ ngày 1/6/2021, người bệnh bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế giấy.
Cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR-Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID (đối với trường hợp cơ sở không có đầu đọc) và có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan Bảo hiểm xã hội để phối hợp giải quyết.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn tiếp nhận, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc sử dụng ứng dụng VssID để đảm bảo quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế theo các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 3717/BHXH-CNTT về việc triển khai ứng dụng VssID.
Việc chính thức triển khai sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID trong khám, chữa bệnh trên toàn quốc là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Người sử dụng thẻ không lo mất, quên thẻ bảo hiểm y tế như đã xảy ra đối với thẻ bảo hiểm y tế giấy; đồng thời giúp giảm thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh của cả người tham gia và cơ sở khám, chữa bệnh; hạn chế lây lan dịch COVID-19 do không phải tiếp xúc trực tiếp.
Chu Thanh Vân