Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances hôm 28/6, ngoài việc hỗ trợ làm giảm bớt cái nóng, tăng cường đa dạng sinh học và tạo cảm giác yên bình, các công viên và không gian xanh trong thành phố cũng làm chậm quá trình lão hóa sinh học ở người.
Bà Kyeezu Kim, tác giả chính của nghiên cứu và đồng thời là học giả tại trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ), nhận định việc sống gần nhiều cây cỏ sẽ giúp con người trẻ hơn tuổi thực, cụ thể là 2,5 tuổi so với những người không được tiếp xúc thường xuyên.
Trong quá trình nghiên cứu, các tác giả đã kiểm tra sự biến đổi hóa học ADN, hay còn được gọi là "sự methyl hóa". Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh “đồng hồ biểu sinh” - xét nghiệm sinh hóa dựa trên mức độ methyl hóa ADN - có thể là một yếu tố dự đoán chính xác về tình trạng sức khỏe như bệnh tim mạch, ung thư, chức năng nhận thức và cách đo tuổi chính xác hơn so với niên lịch.
Nhóm tác giả đã theo dõi hơn 900 người da trắng và da màu tại 4 thành phố ở Mỹ gồm Birmingham, Chicago, Minneapolis và Oakland trong vòng 20 năm kể từ năm 1986-2006. Sử dụng các hình ảnh vệ tinh, nhóm đã đánh giá mức độ gần gũi giữa nơi ở của những người tham gia với thảm thực vật và công viên xung quanh, đồng thời ghép nối những dữ liệu này với các mẫu máu được lấy vào năm thứ 15 và năm thứ 20 để xác định tuổi sinh học của họ. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng các mô hình thống kê nhằm đánh giá và kiểm soát các tác động có thể ảnh hưởng đến kết quả, chẳng hạn như giáo dục, thu nhập hay các hành vi như hút thuốc.
Kết quả cho thấy những người có nhà được bao quanh bởi 30% cây xanh trong bán kính 5km trung bình sẽ trẻ hơn 2,5 tuổi sinh học so với những người chỉ được bao quanh bởi 20% cây xanh. Tuy nhiên, lợi ích này không đồng đều giữa các nhóm đối tượng, khi người da màu chỉ trẻ hơn 1 tuổi, trong khi người da trắng trẻ hơn 3 tuổi. Theo bà Kim, những yếu tố khác như sự căng thẳng, chất lượng của không gian xanh xung quanh hay hỗ trợ xã hội cũng có thể tác động đến lợi ích của không gian xanh đối với mức độ lão hóa sinh học. Ví dụ, các công viên nơi xảy ra nhiều hoạt động bất hợp pháp có thể có ít người lui tới hơn, khiến lợi ích từ các không gian xanh cũng giảm đi.
Từ trước đến nay, việc tiếp xúc với không gian xanh có liên quan đến sức khỏe tim mạch tốt hơn và làm giảm tỷ lệ tử vong. Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với quy hoạch đô thị, trong đó có việc mở rộng cơ sở hạ tầng xanh nhằm tăng cường sức khỏe cộng đồng và bất bình đẳng trong y tế. Theo bà Kim, bước tiếp theo các nhà nghiên cứu có thể sẽ tìm hiểu mối liên hệ giữa không gian xanh với một vấn đề sức khỏe cụ thể - như cách thức giảm lão hóa ở người.
Linh Tô