Tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác phòng, chống, chăm sóc, giúp đỡ cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và những người mắc bệnh trong phòng, chống HIV/AIDS.
Tại tỉnh Sơn La, trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/1998. Đến tháng 10/2020, số người nhiễm HIV tích lũy đã tăng lên 9.100 người, trong đó đã tử vong trên 4.000 người, còn sống 4.800 người, mất dấu 241 người. Trên 9.100 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS, trong đó có 31 người dương tính.
Chị Lò Thị Khuyên ở huyện Mường La nhiễm HIV gần 17 năm nay. Sau khi biết tin mình nhiễm HIV, chị đã có thời gian dài suy sụp, chán nản. Được các cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn và được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV, chị đã phần nào ổn định tâm lý. Sau gần 6 năm nhiễm HIV, chị đã xây dựng hạnh phúc cho riêng mình. Đến nay, chồng và con gái không nhiễm HIV từ chị nhờ áp dụng các biện pháp phòng tránh an toàn. Với sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ y tế Trung tâm Y tế huyện Mường La, sức khỏe của chị hiện vẫn rất tốt.
Chị Lò Thị Khuyên bộc bạch, chị đã tham khảo các tài liệu tuyên truyền, hiểu được thuốc ARV có thành phần giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con nên mình đã yên tâm khi mang thai. Trong quá trình mang thai, chị uống ARV thường xuyên theo chỉ định và đúng giờ. Sau khi sinh, bác sĩ hướng dẫn chị cách chăm sóc con như không cho con bú, nuôi hoàn toàn bằng sữa bột.
Cũng giống như chị Khuyên, anh Nguyễn Văn Nam ở thành phố Sơn La nhiễm HIV đã hơn 10 năm nay và đã uống ARV từ năm 2010. Hơn 10 năm qua, anh ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh này và rất nghiêm túc tuân thủ việc điều trị, sức khỏe của anh luôn ổn định. Tuân thủ việc điều trị bằng thuốc ARV, anh đã có thêm một đứa con vào năm 2016 mà không lây nhiễm virus HIV cho vợ và con. Không những thế, anh hiện là một trong những đồng đẳng viên hoạt động năng nổ trong cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ, nhiễm bệnh đã rất khổ, nếu bị bệnh mà không được điều trị còn khổ hơn. Vì vậy, với mong muốn có thêm nhiều người cùng hoàn cảnh giống anh được tiếp cận sớm với việc điều trị phơi nhiễm, anh đã không ngần ngại tham gia các hoạt động của mạng lưới đồng đẳng viên.
Tại Sơn La, chương trình can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS với hoạt động tiếp cận cộng đồng được thực hiện qua mạng lưới đồng đẳng viên đã có sự phát triển tích cực. Vào năm 2005, chỉ có 12 đồng đẳng viên, đến nay, toàn tỉnh đã có 142 đồng đẳng viên. Ngoài ra, 70 nhân viên y tế thôn, bản tham gia các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, phát bơm kim tiêm, phát bao cao su miễn phí trong chương trình can thiệp giảm tác hại. Từ năm 2005 đến nay, các đồng đẳng viên đã tiếp cận được trên 9.000 đối tượng có nguy cơ cao, hơn 8.500 người nghiện ma túy, hơn 500 phụ nữ bán dâm.
Tổng số lượt tiếp cận trên 1 triệu lượt. Hoạt động này đã can thiệp làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 37% năm 2006 xuống còn 18% năm 2020.
Sau 15 năm triển khai Chỉ thị số 54/2005/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Số người được tư vấn, điều trị HIV ngày một tăng và sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS đã giảm dần. Công tác thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện dưới nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả tích cực.
Từ năm 2005 đến 2020, lực lượng chức năng đã in và phân phát trên 1 triệu tài liệu truyền thông, gồm tờ rơi, áp phích, sách nhỏ tuyên truyền... về phòng chống HIV/AIDS. Hoạt động này được triển khai rộng rãi và đa dạng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng thực hiện các hoạt động can thiệp giảm hại. Đến năm 2020, toàn tỉnh Sơn La đã có 14 phòng khám điều trị cho hơn 4.300 bệnh nhân, đạt gần 89% trong tổng số người nhiễm HIV còn sống.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết, thời gian tới, ngành Y tế Sơn La sẽ tăng cường nâng cao nhận thức và thống nhất trong hành động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, của cán bộ đảng viên và nhân dân. Đồng thời, tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nhất là công tác quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình, cộng đồng. Tỉnh mở rộng, củng cố và duy trì các mô hình câu lạc bộ hiện có; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức, mối liên hệ giữa HIV/AIDS và ma túy; biểu dương những tấm gương tiêu biểu tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, ngành Y tế Sơn La đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; mở rộng và đổi mới các biện pháp can thiệp giảm hại, dự phòng lây nhiễm HIV. Ngoài ra, tỉnh mở rộng các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV, đặc biệt là ở tại các huyện vùng sâu, vùng xa để trả kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính cho người được xét nghiệm trong thời gian sớm nhất. Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp để chuyển gửi thành công người nhiễm HIV từ dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV sang dịch vụ chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV.
Hữu Quyết