Trong những năm gần đây tỉnh Sơn La đã trở thành một điểm sáng trong nông nghiệp. Đặc biệt, diện tích cây ăn quả đến nay đã đạt gần 80 nghìn ha, lớn nhất miền Bắc. Trong quá trình đó, việc thành lập và phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng vai trò hết sức quan trọng. Thông qua các hợp tác xã, tư duy sản xuất của người dân đã thay đổi, nhờ đó đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào vùng cao.
Hơn 20 năm gắn bó với cây ngô, cây sắn, ông Lò Văn Xuân ở bản Nhạp, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn không nghĩ mình sẽ chăm sóc tốt được cây chanh leo, cây xoài. Nhưng sau khi tham gia làm thành viên hợp tác xã Đại Phát chuyên về sản xuất nông nghiệp, ông Xuân đã được các thành viên, Ban Quản trị Hợp tác xã, cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc. Đến nay, ông Xuân có thể tự tin chăm sóc các loại cây trồng mới, đồng thời điều kiện kinh tế gia đình ông cũng khá giả hơn hẳn từ khi tham gia hợp tác xã.
Ông Lò Văn Xuân chia sẻ, từ khi vào làm thành viên hợp tác xã thu nhập của gia đình đã ổn định và cao hơn trước. Khi là thành viên hợp tác xã ông đã được hướng dẫn triển khai thực hiện đưa giống và các kỹ thuật mới vào sản xuất, nhờ đó năng suất, chất lượng cao hơn trước đây rất nhiều.
Hợp tác xã Đại Phát được thành lập từ năm 2018, với 26 thành viên, canh tác trên 102 ha đất. Hiện hợp tác xã sản xuất các loại cây ăn quả như nhãn, xoài, bưởi, na, chanh leo, rau củ. Thời gian đầu, khi mới thành lập hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật tổ chức sản xuất, nhất là nguồn vốn đầu tư ban đầu.
Nhưng sau khi biết đến nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh Sơn La, hợp tác xã này đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để vay vốn. Nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp hợp tác xã vượt qua khó khăn ban đầu, nhanh chóng ổn định sản xuất và hoạt động có hiệu quả.
Ông Lò Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã Đại Phát, huyện Mai Sơn cho biết, hiện hợp tác xã được vay 300 triệu đồng để đầu tư giống cây ăn quả, phân bón. Ngoài ra, hợp tác xã còn được các cơ quan chuyên môn nông nghiệp giúp đỡ, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn.
Để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc làm tốt tuyên truyền, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã. Đặc biệt, tỉnh Sơn La là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Từ nguồn quỹ này, nhiều hợp tác xã, nhất là những hợp tác xã mới thành lập đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Nhân, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Ban, huyện Mai Sơn thông tin, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La thường xuyên quan tâm, tổ chức tập huấn, thăm quan mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho các thành viên. Qua đó, đã giúp các hợp tác xã học hỏi, đúc rút nhiều được kinh nghiệm trong phát triển sản xuất. Ngoài ra, các thành viên hợp tác xã còn được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh để mua bò giống. Ban đầu, mỗi thành viên chỉ có từ 1-2 bò giống, nhưng nhờ có nguồn vốn ưu đãi các hộ đã mạnh dạn mở rộng quy mô lên từ 5-6 bò giống.
Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 700 hợp tác xã đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, với trên 32.500 thành viên tham gia, các hợp tác xã ở Sơn La đang đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, gắn kết các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ngày càng khẳng định vị thế trong chuỗi thành công của “hiện tượng” nông nghiệp Sơn La.
Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Sơn La cho biết, thời gian qua, đơn vị đã thực hiện trên 50 hồ sơ cho các hợp tác xã vay vốn, với tổng số tiền là 13,6 tỷ đồng; trong đó, có 44 dự án lĩnh vực nông nghiệp, 9 dự án phi nông nghiệp.
Các dự án vay vốn khi đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho gần 700 lao động thành viên và lao động tăng thêm tại địa phương, với mức thu nhập ổn định. Qua quá trình hoạt động, quỹ đã giúp cho các hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng để cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, quỹ đã giúp cho các hợp tác xã đầu tư các loại giống mới, có giá trị kinh tế để làm mô hình điểm cho các thành viên tham quan, học hỏi.
Hữu Quyết