Năm 2023, Sóc Trăng phấn đấu đón 2,3 triệu lượt khách, trong đó khoảng 64 ngàn lượt khách quốc tế, khách lưu trú 400 ngàn lượt. Tổng doanh thu từ khách du lịch khoảng 1.008 tỷ đồng...
Để đạt mục tiêu trên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 05/NQ/2020/NQ- HDND ngày 7/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025; đẩy mạnh tuyên truyền chính sách bằng nhiều hình thức đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn; triển khai Đề án Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đề án “Chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer bằng giải pháp hoàn chỉnh không gian Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Sóc Trăng gắn liền với các khu di tích, đền chùa.
Tỉnh đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch gắn với các điểm tham quan, nghỉ dưỡng như, du lịch Giếng Tiên, làng nghề, làng văn hóa dân tộc...
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, tỉnh tập trung phát triển 10 sản phẩm du lịch chủ lực. Đó là du lịch văn hóa tâm linh (thành phố Sóc Trăng); du lịch văn hóa lễ hội – ẩm thực (thành phố Sóc Trăng); du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên (huyện Châu Thành); du lịch sinh thái biển Mỏ Ó (huyện Trần Đề); du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); du lịch sinh thái biển (huyện Cù Lao Dung); du lịch sinh thái biển Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu); điểm du lịch Tân Huê Viên (huyện Châu Thành); du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại Khu Căn cứ Tỉnh ủy (huyện Mỹ Tú); du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm).
Cùng với đó, tỉnh phát triển 6 sản phẩm du lịch bổ sung là du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm (huyện Kế Sách); du lịch văn hóa cộng đồng tại hai xã Phú Tân và Phú Tâm (huyện Châu Thành); du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom (huyện Mỹ Xuyên); du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung); du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên - Trần Đề; du lịch điện gió Vĩnh Châu - Trần Đề - Cù Lao Dung.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện và phát triển 3 cụm du lịch cộng đồng các huyện Cù Lao Dung, Kế Sách và Mỹ Tú; phối hợp với UBND huyện Mỹ Xuyên phát triển mô hình câu lạc bộ văn nghệ phục vụ khách du lịch tại chùa Chén Kiểu. Sở phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Kế hoạch số 182/KH ngày 14/12/2022 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025.
Cũng theo ông Trần Minh Lý, Sóc Trăng tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến du lịch dựa vào công nghệ, tăng cường mối liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước, cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình để tuyên truyền quảng bá hình ảnh, con người và tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh; triển khai hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Mặt khác, tỉnh tham gia đoàn farmtrip khảo sát tuyến, điểm du lịch do các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức; đồng thời duy trì vận hành hiệu quả Hệ thống Du lịch thông minh tỉnh Sóc Trăng (Cổng thông tin du lịch thông minh và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tỉnh Sóc Trăng).
Sóc Trăng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, nhất là quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ngành kinh tế du lịch cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc khai thác, phát triển du lịch; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Nhật Bình