Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 2,6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 50.000 lượt khách quốc tế; 2,55 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu từ khách du lịch đạt 1.450 tỷ đồng. Đến năm 2030, tỉnh thu hút khoảng 3,585 triệu lượt khách, trong đó có 85.000 lượt khách quốc tế, 3,5 triệu lượt khách nội địa; doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng.
Nguồn nhân lực du lịch đến năm 2025 của toàn tỉnh có trên 1.600 lao động trực tiếp. Trong đó, có 75% lao động được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản phục vụ công tác quản lý và phục vụ hoạt động du lịch. Đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 2.200 lao động trực tiếp. Trong đó có 80% lao động trong ngành du lịch được đào tạo phục vụ hoạt động du lịch. Để đạt được mục tiêu này, Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, tỉnh nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ chính sách phát triển du lịch.
Bà con Phật tử Khmer chiêm bái tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất Việt Nam trong khuôn viên chùa Som Rong ở phường 5, thành phố Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Chính
Thạc sĩ Lê Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết, trên cơ sở đánh giá và thực trạng của địa phương, tỉnh đã tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tiếp cận, tham gia vào hoạt động du lịch với nội dung hỗ trợ phong phú và định mức hỗ trợ tương đối khá. Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ trên 76,8 tỷ đồng, được phân kỳ thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2020 - 2025).
Theo đó, Sóc Trăng tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình: Xây dựng mới nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch, quà lưu niệm của tỉnh Sóc Trăng; lãi suất vốn vay xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; đầu tư mua hoặc đóng mới phương tiện vận tải khách du lịch đường thủy nội địa. Tỉnh cũng hỗ trợ kinh doanh loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; đầu tư xây dựng, nâng cấp điểm du lịch; đầu tư xây dựng, nâng cấp phát triển thành Khu du lịch cấp tỉnh; đầu tư cho các di tích lịch sử, văn hóa thu hút khách du lịch; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng nhà vệ sinh công cộng và lãi suất vốn vay cho các dự án vui chơi, giải trí…
Một số cơ sở du lịch đã được tỉnh hỗ trợ đã đạt hiệu quả như: Cổ miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu (Khóm 6, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu); chùa Som Rong (Khóm 2, Phường 5, thành phố Sóc Trăng); homestay Chợ nổi Ngã Năm (ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú)…
Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết để nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai quyết liệt Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2020 – 2025 một cách đồng bộ từ tỉnh, huyện đến cơ sở và đối tượng được thụ hưởng chính sách nhằm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn đời sống xã hội.
Trung tâm thường xuyên lồng ghép thông tin, tuyên truyền phổ biến nội dung chính sách trong các cuộc họp, hội nghị, sự kiện có liên quan đến lĩnh vực du lịch nhằm giúp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong và ngoài tỉnh tiếp cận, hiểu rõ về nội dung của chính sách và quy trình đăng ký hỗ trợ. Đồng thời, Trung tâm tổ chức, thực hiện tốt việc tiếp nhận, lựa chọn và trình Hội đồng xét tượng được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch; quy trình hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, dúng trình tự.
Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng Lê Hoàng Yến cũng cho biết Trung tâm còn tăng cường công tác liên hệ, trao đổi, nắm thông tin để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc; tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch, tiếp cận chính sách hỗ trợ hợp pháp và hợp lý. Đồng thời khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia vào chính sách hỗ trợ phát triển du lịch để mở rộng quy mô, hoạt động phát triển du lịch.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức khảo sát tại các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là các mô hình về du lịch sinh thái, du lịch sông nước miệt vườn, du lịch kết hợp với phát triển nông nghiệp, du lịch kết hợp với phát triển các làng nghề truyền thống... để thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án du lịch và triển khai, phổ biến chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.
Bên cạnh công tác hỗ trợ chính sách phát triển du lịch, Sóc Trăng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm; phát triển các dịch vụ du lịch tại trung tâm thành phố Sóc Trăng như cơ sở lưu trú cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí, phố đi bộ tại tuyến đường Lý Thường Kiệt nhằm thu hút khách du lịch nghỉ đêm…Công tác liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch; hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài khu vực; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; công tác quản lý nhà nước về du lịch…cũng được tỉnh tiếp tục đẩy mạnh.
Nhật Bình