Sóc Trăng nỗ lực giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo

Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo bền vững. Nguồn: baodantoc.vn
Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo bền vững. Nguồn: baodantoc.vn

Sóc Trăng đang triển khai nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Tỉnh hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống thoát nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

Sóc Trăng nỗ lực giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo ảnh 1Các sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lục Bích Phúc cho biết: Tổng số hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh có 22.120 hộ (chiếm 6,64%), trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer trên 9.900 hộ (chiếm 9,87%); hơn 29.400 hộ cận nghèo (chiếm 8,83%), trong đó hộ đồng bào dân tộc Khmer trên 11.300 hộ (chiếm 11,15%).

Đến năm 2025, Sóc Trăng nỗ lực phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%, trong đó hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer hàng năm từ 3 - 4%; giải quyết 6.000 lao động và đào tạo nghề cho 3.500 lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 15 mô hình, dự án giảm nghèo…

Bà Lục Bích Phúc cũng cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng từ 11 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tỉnh phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Đồng thời, tỉnh phấn đấu tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 93%; tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 60%.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mục tiêu của tỉnh là từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Sóc Trăng thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho đối tượng tham gia dự án được cải thiện về thu nhập; nâng cao tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Tỉnh cải thiện chất lượng về nhà ở cho hộ nghèo còn khó khăn; nâng cao tỷ lệ người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, khả năng tiếp cận các dịch vụ viễn thông.

Giảm nghèo trọng tâm, trọng điểm và bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, tỉnh triển khai các giải pháp giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Các hoạt động giảm nghèo bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí. Đối với các nguồn chi cho công tác giảm nghèo, tỉnh bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình giảm nghèo ở các cấp, các ngành; phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo.

Sóc Trăng ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân. Đồng thời, phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thể mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Địa phương huy động tối đa các nguồn lực xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Sóc Trăng nỗ lực giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo ảnh 2Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiệu quả giúp đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo bền vững. Nguồn: baodantoc.vn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ theo quy định hiện hành về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tập huấn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, quản lý mô hình, dự án sinh kế; cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, người học nghề thuộc đối tượng của chương trình giảm nghèo.

Cụ thể hóa các giải pháp trên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng Lục Bích Phúc cho biết, tỉnh thực hiện 7 dự án giảm nghèo bền vững. Trong đó có một số dự án tiêu biểu như: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (xã Xuân Hòa và xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách); đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Bà Lục Bích Phúc nhấn mạnh, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao cần phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, tạo khí thế thi đua, sôi nổi trong toàn xã hội.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm