Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tỉnh Sóc Trăng mới bắt đầu bước vào những tháng mùa mưa; tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, triều cường, nhiều vụ sạt lở đã xuất hiện tại các huyện Kế Sách, Long Phú… Dù chưa gây ra thiệt hại về người, nhưng các vụ sạt lở đã cho thấy mức độ thiệt hại ngày càng khó lường.
Ghi nhận tại chợ Cầu Lộ, xã An Lạc Thôn (huyện Kế Sách), công trình khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp đang được gấp rút hoàn thành. Đây là công trình được tỉnh Sóc Trăng triển khai quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản cho người dân sống vùng sạt lở. Trước đó, vào tháng 1/2020, sạt lở đã khiến 3 căn nhà cùng nhiều tài sản của người dân trôi xuống sông; tháng 9/2019, sạt lở cũng làm 9 căn nhà bán kiên cố bị trôi xuống sông. Ngoài ra, sạt lở còn đe dọa gần 20 căn nhà khác xung quanh.
Theo chia sẻ của các hộ dân sinh sống tại khu vực chợ Cầu Lộ, sạt lở đã làm hàng chục căn nhà của người dân bị cuốn theo dòng nước. Nhà nào nhanh tay thì còn giữ được ít tài sản, nhà nào không kịp trở tay thì đành nhìn căn nhà trôi theo dòng nước. Nay có được công trình kè kiên cố rồi, bà con không còn lo lắng về sạt lở bất ngờ. Tính mạng, tài sản và việc buôn bán của các hộ dân được an toàn trong những tháng cao điểm mùa mưa sắp tới.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo nhận định, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng những năm gần đây diễn biến phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mưa lớn, dông lốc đã làm thiệt hại 60 căn nhà tại các huyện: Thạnh Trị, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Cù Lao Dung và thị xã Ngã Năm. Ngoài ra, nhiều đoạn bờ sông, bờ bao bị sạt lở, có nơi sạt lở đến 795 mét như ở huyện Kế Sách; làm sụt lún 20 căn nhà trên địa bàn các huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề. Thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong những tháng đầu năm 2020 đã làm hơn 4.000 ha lúa bị mất trắng, nhiều diện tích rau màu bị giảm năng suất, cây ăn trái bị ảnh hưởng.
Với đặc thù là địa phương có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có nhiều cù lao, lại có bờ biển dài, tỉnh Sóc Trăng thường xuyên chịu tác động của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn... Để chủ động ứng phó trước những ảnh hưởng của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều công trình gia cố bờ đê, bờ kè tại bờ biển, khu vực dân cư tập trung ven sông; đẩy nhanh tiến độ các công trình để phát huy được hiệu quả trong mùa mưa này.
Theo đó, đối với các khu vực bờ sông bị sạt lở, tỉnh Sóc Trăng đã tích cực khắc phục và tổ chức thi công các công trình đảm bảo an toàn cho người dân để tránh sạt lở trong mùa mưa tại xã Thới An Hội, xã An Mỹ, An Lạc Thôn (huyện Kế Sách); xã An Thạnh Ba (Cù Lao Dung); xã Song Phụng (huyện Long Phú)...
Tại khu vực bờ biển thì điểm xung yếu nhất là giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu đến cống số 2 và từ cống số 2 đến cống số 4 (thuộc thị xã Vĩnh Châu) là khu vực có sức tác động của sóng biển rất mạnh, các dải rừng phòng hộ đã bị thiệt hại gần hết, có chỗ không còn rừng phòng hộ. Sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê, khiến đê có thể vỡ bất cứ lúc nào. Trước thực tế này, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng Lương Minh Quyết, Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng được triển khai với tổng mức đầu tư trên 263 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2020. Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện, khép kín hệ thống đê biển, phòng tránh tác động bất lợi từ biển; đồng thời, từng bước cứng hóa mặt đê, hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng vùng ven biển; tạo trục giao thông kết hợp cứu nạn khi có thiên tai, bão lớn; phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng; góp phần phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội và cải tạo môi trường ven biển.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiểu, trong năm 2020, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ diễn biến ngày càng cực đoan và khó dự báo. Các ngành, các cấp tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, lấy phòng là chính, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Trong đó, việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đóng vai trò rất quan trọng; khi thiên tai xảy ra có giải pháp mang tính tổng hợp, phương châm “4 tại chỗ” phải được áp dụng triệt để; kết hợp với công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn tỉnh, để người dân không được lơ là, chủ quan trong mùa mưa bão hàng năm. Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, nạo vét hệ thống cống, các công trình cấp bách về phòng chống, thiên tai; nhất là các dự án xây dựng hạ tầng, bố trí ổn định dân cư, di dời dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở. Đặc biệt là làm tốt công tác cứu trợ, cứu nạn, nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, với sự chủ động và tích cực của các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng chống thiên tai bằng nhiều biện pháp, những thiệt hại sẽ được giảm thiểu đáng kể trong mùa mưa bão năm 2020.