Ngày 22/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại mưa lũ tại Hà Giang.
Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Từ đêm 20/7 đến trưa 21/7, tại tỉnh Hà Giang, mưa lũ đã làm 5 người chết, trong đó 3 người tử vong do sạt lở đất, 2 người tử vong do bị lũ cuốn trôi và 2 người khác bị thương.
Mưa lớn kéo dài đã gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của nhân dân, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Mê, thành phố Hà Giangvà huyện Vị Xuyên. Đặc biệt, đã có hàng trăm ngôi nhà ở thành phố Hà Giang và một số địa phương trong tỉnh bị ngập, đất đá sạt lở tràn vào nhà dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Tại thành phố Hà Giang, khu vực trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh ngập cao trên 1,2 mét; các phường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung, Minh Khai, khu vực cây xăng Hà Yên, khu vực xã Phương Thiện (thuộc thành phố Hà Giang) bị chìm sâu trong biển nước. Do lượng nước từ trên núi đổ xuống và từ các sông, suối tràn vào ban đêm và rạng sáng nên nhiều gia đình không kịp di chuyển đồ đạc. Nhiều ngôi nhà nước ngập cao trên 1 mét, có những nhà chìm sâu trong nước khiến hư hỏng tài sản có giá trị của nhiều gia đình.
Mưa lũ kéo dài nhiều giờ còn khiến nhiều tuyến đường huyết mạch bị sạt lở và ngập cục bộ. Nhiều diện tích hoa màu, cây trồng của thành phố Hà Giang và huyện Hoàng Su Phì bị thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt, ngay tại cửa ngõ thành phố Hà Giang, đoạn km 5 tuyến đường Quốc lộ 2 từ Hà Giang - Hà Nội, hàng nghìn ha đất đá từ trên đồi sạt lở, tràn xuống mặt đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Mưa lũ kéo dài cũng đã khiến nhiều công trình thủy lợi như kênh mương bị hư hỏng do sạt lở đất, nhiều công trình trường mầm non bị hư hại.
Thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Giang là Nhà máy Thủy điện Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên) và Nhà máy Thủy điện Thái An (huyện Quản Bạ) bị đất đá vùi lấp toàn bộ hệ thống máy móc. 33 chiếc xe ô tô của nhân dân bị ngập và hư hỏng nặng (trong đó có 2 chiếc xe ô tô bị trôi mất tích). Hàng trăm chiếc xe máy, xe đạp điện bị chìm trong nước lũ… Tổng thiệt hại về cơ sở nhà, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp trong mưa lũ của Hà Giang ước tính trên 125 tỷ đồng. Ước giá trị thiệt hại của riêng 2 nhà máy thủy điện trị giá khoảng 370 tỷ đồng.
Trước tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra rất lớn, vượt khả năng cân đối ngân sách và bố trí kinh phí của tỉnh, thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai hỗ trợ cho tỉnh Hà Giang kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất; đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thiệt hại đối với Nhà máy Thủy điện Thái An và Nhà máy thủy điện Thuận Hòa.
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương bị thiệt hại do mưa lũ, phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang tối 22/7, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, đã chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại của Hà Giang sau đợt mưa lũ vừa qua. Ông Trần Quang Hoài đề nghị Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cần khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, máy móc giúp đỡ nhân dân khắc phục thiệt hại. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân. Thực hiện nghiêm các phương án ứng phó và phương châm “4 tại chỗ” giúp nhân dân khẩn trương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra và sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh Hà Giang huy động tốt các nguồn lực để nâng cao năng lực phòng ngừa; bố trí nguồn kinh phí, mua sắm những vật tư thiết yếu để sẵn sàng khắc phục hậu quả tắc đường giao thông do sạt lở, kịp thời di dời người dân để tránh gây thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra; tổ chức lực lượng xung kích phòng chống thiên tai sẵn sàng ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố.
Đồng thời, tỉnh cũng cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để mọi người dân có ý thức cảnh giác, phòng ngừa thiên tai; tiến hành sớm việc cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở trên một số tuyến đường có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai.
Minh Tâm