Số hóa để phát triển nông nghiệp thông minh bền vững ở Quảng Ngãi

Sáng 24/9, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hà tổ chức Hội thảo “Số hóa ngành nông nghiệp - Thông minh và bền vững”. Đây là một trong những hoạt động thuộc “Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2024”, diễn ra từ 24-28/9, với chủ đề “Chuyển đổi số - Phát triển kinh tế số”.

vna_potal_hoi_thao_“so_hoa_nganh_nong_nghiep_-_thong_minh_va_ben_vung”__7613470.jpg
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Thanh Trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Thanh Trường cho rằng, nông nghiệp là ngành có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ cho an sinh và an dân. Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Quảng Ngãi không chỉ cần đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế nông thôn, mà còn phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số, số hóa ngành Nông nghiệp, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại mới, đồng thời phát triển khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số một cách rộng rãi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi…

vna_potal_hoi_thao_“so_hoa_nganh_nong_nghiep_-_thong_minh_va_ben_vung”__7613472.jpg
Đại biểu trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, Quảng Ngãi đã cung cấp 50 dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực thủy sản, trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp; thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong tưới tiết kiệm, vận hành tưới tự động đối với cây lúa, cây rau màu với diện tích gần 3.000 ha. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và lợn đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Sau quá trình lai tạo, tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn tỉnh ước đạt 78,6%. Cùng với đó, tại Quảng Ngãi, công tác theo dõi diễn biến rừng được áp dụng bằng phần mềm FRMS, sử dụng công nghệ giải đoán ảnh (GIS) và viễn thám trong cảnh báo cháy rừng; công tác giám sát, quản lý công trình có hệ thống camera theo dõi, giám sát tại đập chính. Toàn tỉnh có 204 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao, trong đó có 130 sản phẩm OCOP đã lên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi,...

vna_potal_hoi_thao_“so_hoa_nganh_nong_nghiep_-_thong_minh_va_ben_vung”__7613469.jpg
Đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo chuyên đề: Khai thác hiệu quả các nền tảng số, cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp tại địa phương; Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi từ cơ sở đến quản lý nhà nước, lộ trình 2025-2030; Ứng dụng hệ thống Camera thông minh AI và các giải pháp thông minh trong công tác phòng, chống cháy rừng; giới thiệu Giải pháp nông nghiệp thông minh - MobiAgri; Công tác chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện và mô hình chuyển đổi số điển hình về sản phẩm nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; bản đồ số phục vụ quản lý, sử dụng, canh tác đất nông nghiệp....

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm