Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại dưới tán rừng theo hướng sản xuất hàng hóa đã và đang mang lại tín hiệu tích cực trong giảm nghèo, ổn định kinh tế ở vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam)…
Nam Trà My có hệ sinh thái và rừng nguyên sinh hết sức đa dạng, được bảo tồn nghiêm ngặt với độ che phủ rừng hơn 68% và tiếp tục tăng lên nhờ chú trọng phục hồi rừng. Năm 2021, toàn huyện đã triển khai trồng mới 1.873 ha rừng, trong đó ưu tiên các khu rừng tái sinh, rừng khoanh nuôi bảo vệ để đồng bào tập trung trồng cây lâu năm, cây gỗ lớn, cây nguyên liệu… gắn với phát triển dược liệu.
Theo ông Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My, tận dụng điều kiện thuận lợi, đồng bào ở Nam Trà My đã cải tạo vườn tạp, phát triển vườn đồi, vườn rừng xây dựng các trang trại quy mô lớn. Toàn huyện hiện có 3.269 vườn, tổng diện tích hơn 1.017 ha, trong đó có 3 vườn đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại với diện tích khoảng 10.000 m2 /vườn.
Nhằm tạo môi trường sản xuất ổn định, bền vững, đồng thời bảo tồn và phát triển các giống cây dược liệu quý, Nam Trà My còn đẩy mạnh việc liên kết giữa hộ gia đình với doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Toàn huyện hiện có 9 hộ sản xuất, 6 hợp tác xã và 3 công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh các mặt hàng nông sản và các loại cây dược liệu, góp phần ổn định đầu ra cho người dân.
Tại khu vực quanh núi Ngọc Linh, đồng bào còn phát triển mạnh các loại dược liệu đặc hữu như đảng sâm, giảo cổ lam, đương quy, chè dây, khổ qua rừng... với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Điển hình như mô hình trồng cây dổi xanh ở xã Trà Vân, bước đầu cho hiệu quả tốt và có khả năng phát triển lên đến hàng nghìn hec-ta; mô hình trồng đảng sâm tập trung ở thôn 1 Trà Linh, thôn 3 xã Trà Cang, cho doanh thu hơn 100 triệu đồng/hộ/năm…
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My cho biết, huyện ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy nông nghiệp nông thôn làm cơ bản và phát huy lợi thế kinh tế miền núi, đồng thời tập trung phát triển mạnh cây dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng và thu hút khách du lịch. “Chúng tôi tận dụng lợi thế từ việc lấy ngắn nuôi dài, kết hợp phát triển các loại cây dược liệu ngắn ngày, cây ăn quả và mô hình vườn - ao - chuồng dưới tán rừng, đồng thời chú trọng bảo tồn, khôi phục rừng để tạo sinh kế cho người dân. Như vậy mới vừa phát triển nền lâm nghiệp bền vững, vừa thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cho người dân miền núi” - ông Mẫn nói.
Khánh Nguyên