Sẽ huy động mọi nguồn lực trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025

Sẽ huy động mọi nguồn lực trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.

Sẽ huy động mọi nguồn lực trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 ảnh 1Người dân xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên tích cực trồng rừng. Ảnh: Thảo Nguyên-TTXVN

Thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”.

Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất một tỷ cây xanh; trong đó, có 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đó phạm vi thực hiện, đối với trồng cây xanh trên đất quy hoạch lâm nghiệp (trồng rừng) gồm: đất quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ; trong đó, đặc biệt ưu tiên trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng rừng phòng hộ vùng ven biển; đất chưa có rừng, chưa đủ tiêu chí thành rừng trong phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ, hành chính của rừng đặc dụng là vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh và khu bảo vệ cảnh quan; đất quy hoạch trồng mới rừng sản xuất.

Đối với trồng cây xanh trên đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp (cây phân tán) gồm: khu vực đô thị, khu dân cư tập trung: trồng trên đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở và các công trình công cộng khác...; khu vực nông thôn: đất vườn, hành lang giao thông, ven sông, kênh mương, bờ vùng, bờ đồng, nương rẫy; khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất; kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán khác…

Cụ thể, năm 2021, cả nước sẽ trồng khoảng 182 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020 (năm 2020 trồng được khoảng 80 triệu cây phân tán). Từ năm 2022 - 2025 mỗi năm trồng 204,5 triệu cây xanh; trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Kính phí thực hiện đề án xác định chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa và lồng ghép thông qua các chương trình, dự án đầu tư công quốc gia giai đoạn 2021- 2025; kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả các dự án ODA đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh; ngoài ra có sử dụng một phần ngân sách nhà nước cho hỗ trợ cây giống, triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, đánh giá…

Theo đó, tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh. Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống; tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Về cơ chế chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu, xây dựng tiêu chí trồng cây xanh cụ thể trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý và phát triển cây xanh đô thị.

Các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 để huy động nguồn lực thực hiện.

Dự thảo Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” đã được lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm