Sáng 19/10, đường vào khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã cơ bản được thông, vượt qua hàng chục điểm sạt lở, vùi lấp vừa được khắc phục, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã tiếp cận được hiện trường. Trên đường đi, chúng tôi ghi nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, tiếc thương của bà con Vân Kiều dành cho các chiến sĩ gặp nạn tại thôn Cợp (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Cách điểm đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 khoảng 1 km là ngôi nhà đơn độc bên sườn núi của gia đình chị Hồ Thị Vi. Chị đang cùng 4 con gái ratrước cửa để tiễn biệt các chiến sĩ trên những chiếc xe cứu thương chở thi thể đi qua. Mỗi lần xe cứu thương đi qua, chị lại khẽ gạt nước mắt.
Chị Vi chia sẻ, gia đình chuyển về đây cũng được 4 năm, các anh em trong đơn vị 337 rất thân thiết với vợ chồng chị. Từ hôm nghe tin buồn, chồng chị không thiết ăn uống, chỉ ra đứng trông lực lượng cứu hộ. Trước đây, khi nhà thiếu lương thực, thực phẩm, các anh tặng đồ ăn, tặng gạo, động viên vợ chồng chị làm ăn. Các anh còn nói sau này con cái đi học mà thiếu giấy tờ thì họ sẽ dẫn lên chính quyền để hướng dẫn làm thủ tục. Nhà mình có nuôi một con bò, đơn vị đã đặt hàng mua khi bò lớn, vậy mà giờ bò còn chưa kịp lớn thì đã xảy ra tai nạn này...
Còn anh Hồ Văn Trú, một trong những người đầu tiên chứng kiến vụ sạt lở cho biết: “Đêm hôm đó tôi nghe có tiếng nổ lớn, rồi tiếng đất đá sạt lở, một lúc sau có thêm một tiếng nổ lớn nữa và thấy đất đá vùi lấp khu vực. Người dân thôn Cợp rất hoang mang, lo lắng cho bộ đội và sẵn sàng hỗ trợ cứu hộ, nhưng do nguy hiểm nên lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường và đưa đơn vị chuyên nghiệp tới để cứu hộ. Chúng tôi ở vòng ngoài và luôn sẵn sàng cung ứng đồ ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cho lực lượng chức năng.”
Ngôi nhà sàn đang xây dở, nằm đối diện khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 là nơi nhiều lực lượng chức năng tạm nghỉ chân để phân công công tác, bàn bạc phương án. Chủ nhà, chị Hồ Thị Tuyết Mai rất nhiệt tình hỗ trợ lực lượng phóng viên, các cơ quan chức năng. Không chỉ cho mượn nơi làm việc, gia đình chị Mai còn hỗ trợ nước sạch, nấu cơm cho những người có nhu cầu.
Nhớ lại vụ sạt lở, chị Mai vẫn còn hoảng sợ: Khoảng 1 giờ ngày 18/10, tôi đang ngủ thì nghe tiếng động lớn trong cơn mưa, rất đáng sợ, nhưng trong đêm tối không thể làm gì. Sáng ra, có nhiều chiến sĩ bộ đội vào trú mưa ở nhà mình, sau đó người dân làng cũng tới hỗ trợ đơn vị, nhưng lại có sạt lở tiếp nên mọi người đành rút về để bảo đảm an toàn.
Chị Mai nhớ lại, tình cảm quân dân ở khu vực núi rừng rất khắng khít, luôn tương trợ giúp đỡ nhau. Vào ngày lễ tết, đơn vị cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ những hộ nghèo ở thôn, hỗ trợ người dân khi xây nhà, làm rẫy. Còn khi người dân có đồ ăn ngon, mùa màng thuận lợi cũng thường mang tặng cho bộ đội. Vì vậy, khi xảy ra vụ sạt lở này, người dân thôn Cợp rất buồn và lo lắng cho các anh em chiến sĩ.
Không chỉ chị Mai, chị Vi, anh Trú, sáng 19/10, hàng trăm người dân Vân Kiều trong khu vực đã ra đường để theo dõi hoạt động cứu hộ và tiễn biệt những chiến sĩ đã hy sinh trong cơn sạt lở bất ngờ tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337. Những khuôn mặt lo âu, những giọt nước mắt thương tiếc nhìn theo các chuyến xe cứu thương chính là minh chứng rõ nhất cho tình quân – dân khăng khít suốt bao năm qua.
Quốc Dũng