Dân tộc Ơ Đu là một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc trên địa bàn cả nước, sinh sống duy nhất tại tỉnh Nghệ An. Trước đây, người Ơ Đu sinh sống ở hai bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa và một số hộ sống rải rác ở bản Tạ Xiêng, xã Kim Tiến và bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng (huyện Tương Dương). Năm 2006, người Ơ Đu ở hai bản Xốp Pột, Kim Hòa di chuyển về sinh sống tại bản tái định cư Văng Môn, xã Nga My (huyện Tương Dương) để nhường đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. Tại bản Văng Môn, được Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương quan tâm, cuộc sống của đồng bào có nhiều thay đổi, đặc biệt chính sách ưu đãi đặc thù về giáo dục, tạo tiền đề cho con em dân tộc Ơ Đu phát triển.
Sáng ước mơ bên đại ngàn Pu Pá
Vượt hành trình gần 180 km, chúng tôi có mặt tại trung tâm huyện Tương Dương khi chiều vừa tắt nắng. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, từ ngã ba Cửa Rào - nơi hợp lưu của hai dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ, khu vực khởi thủy, khơi nguồn của dòng Lam, chúng tôi di chuyển theo Quốc lộ 48C cắt thẳng hướng Đông Bắc. Kết thúc cung đường 70 km uốn lượn, quanh co men theo lưng núi, qua những hốc sâu, ngầm suối cạn, vượt qua địa danh vùng sâu, vùng xa Yên Na, Huổi Cụt, Xốp Pu, Xiêng Nứa…, chúng tôi đặt chân đến bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) khi màn đêm đã buông xuống từ lâu.
Bản làng Văng Môn của người Ơ Đu chìm vào tĩnh lặng. Tiếng suối chảy quanh bản nghe rõ hơn, thật gần, xen lẫn là tiếng côn trùng, tiếng chim từ rừng Pu Pá bên kia suối vọng lại. Quốc lộ 48C chạy qua bản Văng Môn ban ngày sôi động với những chuyến xe tải, xe khách ngược xuôi thông thương hàng hóa giờ yên lặng lạ thường khi đêm về. Nhịp sống sinh hoạt thường ngày của bản làng khép lại, bên những góc học tập quen thuộc, học sinh dân tộc Ơ Đu chủ động ngồi vào bàn học, ôn lại kiến thức học ở trường và làm bài tập thầy cô giáo giao về nhà.
Đang học lớp 5 Trường Tiểu học Nga My, khối bản Văng Môn, em Lo Hảo Thiên có thói quen ngồi vào bàn học bài từ lúc trời nhá nhem tối. Bên góc học tập của mình, tạm dừng việc thực hiện các phép Toán, em cho biết, mỗi tối, em đều ngồi vào bàn học cố gắng làm đầy đủ bài tập thầy cô giáo giao trên lớp. Ước mơ của em sau này lớn lên được làm bác sỹ.
Chị Vi Thị Thi, bản Văng Môn, xã Nga My, mẹ của em Lo Hảo Thiên cho biết, vợ chồng chị mong muốn các con cố gắng học tập sau này lớn lên có công việc ổn định, cuộc sống đỡ vất vả.
Trong ngôi nhà sáng ánh điện lưới quốc gia nằm bên Quốc lộ 48C cách nhà em Lo Hảo Thiên không xa, em Lô Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Nga My, khối bản Văng Môn đang học bài. Yêu thích môn Văn và Ngoại ngữ nên em Thảo ưu tiên dành thời gian học, làm bài tập hai môn này trước. Em mong muốn sau này lớn lên được làm cô giáo để dạy các cháu trong bản.
Buổi sáng ở vùng sâu, vùng xa xã Nga My, âm thanh sôi động nhất, dễ dàng bắt nhất là tiếng loa phát thanh. Từ lâu, người dân trong bản mặc định âm thanh này là “tiếng chuông’ đánh thức cả bản. Tiếp đến là tiếng nói cười của học sinh đang nô đùa trong sân trường và tiếng trống trường thúc giục các em vào lớp. Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Nga My có 444 học sinh, trong đó 27 em là người dân tộc Ơ Đu. Khối lớp 5 có số học sinh dân tộc Ơ Đu nhiều nhất với 9 em, khối lớp 3 ít nhất có 2 em.
Học sinh dân tộc Ơ Đu khi mới vào lớp 1 phần lớn còn rụt rè trong giao tiếp, hạn chế về ngôn ngữ phổ thông. Tuy nhiên, với tinh thần học tập chăm ngoan, đặc biệt sự nhiệt tình, chăm lo trong công tác giảng dạy chuyên môn của thầy cô giáo trên lớp, năng lực tiếp thu bài giảng của học sinh dân tộc Ơ Đu đều có tiến bộ.
Thầy Cao Bá Đông, giáo viên Trường Tiểu học Nga My (xã Nga My) cho biết, trường nằm ở trung tâm xã, điểm trường bản Văng Môn là một trong những điểm trường “vệ tinh”. Xa nhất là điểm trường bản Na Ngân, cách trung tâm xã khoảng 25km, giao thông rất khó khăn. Tại điểm trường bản Văn Môn có một lớp khối 1 và một lớp khối 5. Vào đầu năm học mới, học sinh lớp 1 người dân tộc Ơ Đu còn hạn chế trong giao tiếp và ngôn ngữ phổ thông. Qua quá trình học tập ở trường, các em đều tiến bộ, sử dụng tiếng phổ thông thành thạo khi giao tiếp và trả lời câu hỏi của thầy, cô. Học sinh lớp 5 là con em dân tộc Ơ Đu, lực học và khả năng tiếp thu bài giảng ngang bằng với các bạn trong lớp là con em dân tộc Thái, Khơ Mú.
Chăm lo công tác giáo dục
Hiện nay, người Ơ Đu sinh sống rải rác tại nhiều xã trên địa bàn huyện Tương Dương. Qua khảo sát, đến cuối tháng 7/2020, huyện Tương Dương có 17/146 bản, làng thuộc 9/17 xã, thị trấn có người Ơ Đu sinh sống với 135 hộ, 383 khẩu. Tại xã Nga My, đồng bào Ơ Đu sinh sống ở 4 bản là Văng Môn, Pột, Bay và Xốp Kho với 112 hộ; trong đó, bản Văng Môn tập trung đông nhất (102 hộ, 345 nhân khẩu).
Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nga My cho biết, toàn xã có 9 bản với 1.111 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu gồm các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú và Ơ Đu. Trong đó, dân tộc Thái chiếm khoảng 90% dân số toàn xã. Những năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã, đặc biệt là người Ơ Đu ngày càng được nâng lên. Người dân Ơ Đu biết chú trọng phát triển sản xuất, chăn nuôi; các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của dân tộc được chú trọng duy trì, bảo tồn, phát huy.
Bản Văng Môn đã thành lập một số câu lạc bộ, điển hình như Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, hướng đến triển khai những hoạt động gìn giữ một số phong tục tập quán, nghề dệt thổ cẩm, hoạt động văn hóa như lễ hội tiếng sấm đầu năm, khắc luống, nhảy sạp, thổi sáo… Đặc biệt, các gia đình dân tộc Ơ Đu nhận thức rõ tầm quan trọng của sự học, theo đuổi con chữ, từ đó quan tâm đầu tư, chăm lo cho con em học hành đầy đủ.
Từ nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh ra lớp, đến trường đúng độ tuổi của con em dân tộc Ơ Đu trên địa bàn xã Nga My đều đạt 100%. Sáng sớm mỗi ngày, trên ngả đường từ các bản làng dẫn về ngôi trường khang trang là hình ảnh các em vui vẻ đạp xe đến trường. Đêm đến, bên góc học tập thân quen, các cháu miệt mài làm bài tập. Tiếng ê a học bài của học sinh lớp 1 rộn ràng trong nếp nhà sàn. Đó là bức tranh mà 17 năm về trước, khi còn ở quê cũ Xốp Pột, Kim Hòa (giờ đã chìm sâu dưới lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ) người Ơ Đu không có được.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nga My Vi Thị Mùi, từ năm 2006 đến nay, sự học của người dân tộc Ơ Đu trên địa bàn xã có những kết quả đáng ghi nhận với hơn 20 em thi đỗ các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp trên cả nước. Trong số đó, nhiều em ra trường trở thành bác sỹ, Công an, cán bộ xã…, là tấm gương để bản làng học tập, noi theo và là niềm tự hào của người dân Ơ Đu.
Thầy Kha Văn Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nga My cho biết, hằng năm, 100% học sinh dân tộc Ơ Đu đều ra trường, đến lớp đúng độ tuổi. Các em được thụ hưởng cơ chế, chương trình đặc thù mà Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Ngoài ra, đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường kêu gọi nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm hỗ trợ, đỡ đầu các em, trao tặng sách vở, quần áo và đồ dùng khác.
Bà Vi Thị Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã Nga My cho biết thêm, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đến công tác phát triển giáo dục, đào tạo trên địa bàn, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Riêng đối với học sinh người dân tộc Ơ Đu, ngoài được thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, Đảng ủy, chính quyền địa phương có giải pháp khuyến khích tinh thần học tập của các em. Những học sinh đạt học lực khá, giỏi, hằng năm, Hội Khuyến học xã đều có quà trao tặng, động viên; những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, cấp ủy, chính quyền phối hợp với nhà trường quan tâm, trao học bổng hỗ trợ.
Cuộc sống của người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My hôm nay đã khác, bản làng nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Trong những sự biến chuyển đó, tinh thần khát khao con chữ, theo đuổi ước mơ của học sinh người Ơ Đu là tín hiệu đáng mừng.
Xuân Tiến