Tên tự gọi: Ơ Ðu hoặc I Ðu.
Tên gọi khác: Tày Hạt (người đói rách).
Dân số: 376 người (Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009).
Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Nay chỉ còn tiếng mẹ đẻ. Hầu hết người Ơ Ðu dùng các tiếng Khơ Mú, Thái làm công cụ giao tiếp hàng ngày.
Lịch sử: Xưa kia người Ơ Ðu cư trú suốt một vùng dọc theo hai con sông Nặm Mộ và Nặm Nơn. Nhưng tập trung nhất vẫn là dọc sông Nặm Nơn. Do nhiều biến cố trong lịch sử liên tiếp xảy ra ở vùng này buộc họ phải rời đi nơi khác hay sống hoà lẫn với các cư dân mới đến. Hiện người Ơ Ðu ở hai bản đông nhất là Xốp Pột và Kim Hoà, xã Kim Ða huyện Tương Dương, Nghệ An. Ở Lào họ hợp với nhóm Tày Phoọng cư trú ở tỉnh Sầm Nưa.
Hoạt động sản xuất: Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ: phát, đốt, gieo hạt từ các tháng 4-5 âm lịch, thu hoạch vào các tháng 9-10. Công cụ làm rẫy gồm rìu, dao, gậy chọc lỗ. Ngoài lúa là giống cây trồng chính, còn trồng sắn, bầu, bí, ngô, ý dĩ, đỗ, hái lượm và săn bắn vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống. Chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê khá phát triển. Trâu, bò dùng làm sức kéo, kéo cày, lợn gà sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tín ngưỡng, cúng ma... Ðan lát đồ gia dụng bằng giang, mây, một phần tiêu dùng, phần để trao đổi. Xưa họ còn biết dệt vải.
Ăn: Người Ơ Ðu thường ăn 1 bữa phụ (sáng), 2 bữa chính (trưa và tối). Trước đây họ ăn xôi đồ, nay có cả cơm gạo tẻ, khi mất mùa ăn củ nâu, củ mài, hoặc sắn, ngô thay cơm. Họ thích uống rượu, hút thuốc lào.
Mặc: Hiện nay, nam và nữ đều ăn mặc theo kiểu người Thái, Việt trong vùng. Những bộ trang phục cổ truyền còn rất ít.
Ở: Trước đây, ngôi nhà truyền thống, nhà sàn, phải dựng quay đầu vào núi (dựng chiều dọc). Khi dựng cột phải tuân theo một thứ tự nhất định. Nay kiểu nhà này không còn nữa. Họ ở sàn nhà giống như nhà sàn người Thái.
Phương tiện vận chuyển: Phổ biến hơn cả là gùi dây đeo bên trán. Gùi rất đẹp, bền chắc.
Quan hệ xã hội: Do số lượng dân số ít, sống xen kẽ với người Khơ Mú và Thái cho nên các mặt quan hệ xã hội văn hóa của họ chịu nhiều ảnh hưởng hai dân tộc này. Người Ơ Ðu lấy họ theo họ Thái, Lào. Tổ chức dòng họ rất mờ nhạt. Trưởng họ là người có uy tín, được kính trọng và có vai trò lớn trong dòng họ.
Gia đình người Ơ Ðu là gia đình nhỏ phụ quyền. Ðàn ông quyết định tất thẩy các công việc trong nhà. Phụ nữ không được hưởng thừa tự. Họ phổ biến tục ở rể. Lễ vật trong dịp cưới không thể thiếu là thịt sóc, thịt chuột sấy khô và cá ướp muối.
Sinh đẻ: Phụ nữ đẻ ngồi tại góc nhà phía gian dành cho phụ nữ. Nhau trẻ bỏ vào ống tre đem chôn ngay dưới gầm sàn. Tuổi đứa con được tính từ ngày có tiếng sấm trong năm. Khi đó đứa bé được coi là đầy năm và được bố mẹ làm lễ đặt tên.
Thờ cúng: Người Ơ Ðu tin rằng khi người chết, hồn biến thành ma. Hồn thân thể ngụ tại bãi tha ma, hồn gốc ở chỏm tóc ở lại làm ma nhà. Ma nhà chỉ ở với con cháu một đời theo thứ tự từ con trai cả đến con trai thứ. Khi các con trai đã chết hết, người ta làm lễ tiễn ma nhà về với tổ tiên. Nơi thờ ma nhà tại góc hồi của gian thứ hai. Bàn thờ đơn giản, treo cao sát mái nhà.
Lễ tết: Người Ơ Ðu ăn tết Nguyên đán, tết cơm mới. Ngày hội lớn nhất là lễ đón tiếng sấm trong năm. Ngày đó, cư dân khắp nơi đổ về mở hội tế trời, mổ trâu, bò, lợn ăn mừng tại bản Xốp Pột, xã Kim Ða, Tương Dương, Nghệ An.
Văn nghệ: Người Ơ Ðu sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của người Khơ Mú, Thái như: sáo, khèn, chiêng, trống; thuộc các làn điệu dân ca Khơ Mú, Thái, kể chuyện dã sử.
Chơi: Người Ơ Ðu có vai trò chơi đánh khăng, chơi quay, ném còn, ô ăn quan.
Theo cema.gov.vn