Sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường

Sản xuất nông sản an toàn, góp phần bảo vệ môi trường

Nhắc tới cây mận hậu tại Sơn La, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới sản phẩm mận hậu được trồng ở cao nguyên Mộc Châu. Cây mận hậu đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Một trong số đó là anh Nguyễn Đình Thuận ở tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hệ đào tạo từ xa), anh Thuận về Mộc Châu để mở cửa hàng kinh doanh lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, thiết bị điện tử cho đơn vị trường học và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, nhận thấy gia đình có lợi thế về đất đồi, nương, có tiềm năng phát triển kinh tế, anh Thuận quyết định chuyển sang đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Anh Nguyễn Đình Thuận cho hay, xuất phát từ truyền thống làm nông nghiệp của gia đình, năm 2013, anh không kinh doanh máy tính mà chuyển sang trồng, chăm sóc cây mận. Anh không cảm thấy tiếc nuối, bởi theo anh, tấm bằng Công nghệ thông tin sẽ giúp anh có lợi thế để tìm hiểu về kỹ thuật trồng, chăm sóc mận, thị trường và quảng bá sản phẩm trên mạng.

Tiếp quản trang trại, nương của bố mẹ, anh Thuận mạnh dạn vay vốn từ người thân, Ngân hàng Chính sách xã hội và một số nguồn vốn khác để mua thêm đất sản xuất nông nghiệp. Khi bắt tay vào công việc mới, anh Thuận gặp nhiều khó khăn.

Anh Thuận nhớ lại, trước đây, trên nương không có nước, anh phải xây nhiều bể để đến mùa mưa chứa nước dùng cho mùa khô. Hơn nữa, nơi đây cũng không có đường xe máy có thể vào được nên phải dùng ngựa vận chuyển. Trước đây, khu vực này chủ yếu trồng cỏ, ngô để nuôi ngựa. Sau khi có đường, anh mới phá cỏ đi trồng mận. Đầu tiên, anh Thuận phục hồi, cắt tỉa 700 cây mận già cỗi bố mẹ anh trồng từ năm 1994. Cây bị chết, anh sẽ trồng thay thế bằng cây khác.

Sau nhiều năm vất vả vun trồng, chăm sóc, anh Thuận đã có những thành quả nhất định. Tuy nhiên, sản phẩm của gia đình anh không khác biệt so với các hộ trồng mận trong vùng. Hơn nữa, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn dẫn đến giá cả bấp bênh. Có thời điểm, mận chỉ bán được với giá 2.000 đồng/kg. Điều này anh luôn băn khoăn, trăn trở tìm hướng phát triển mới.

Anh Thuận đã bàn bạc với một số người thân trong gia đình và các hộ dân lân cận đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mở đường bê tông vào tận nương mận. Sau đó, anh Thuận áp dụng trồng, chăm sóc mận theo hướng hữu cơ, cứ một tháng bón phân một lần (luân phiên bón phân hữu cơ và phân vô cơ), cuối năm cho cắt tỉa cành, phun vôi..., đặc biệt tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ. Do đó, sản phẩm mận của gia đình anh luôn đạt năng suất, chất lượng cao, quả to, mẫu mã đẹp, trọng lượng đạt từ 15 đến 20 quả/kg, được thị trường ưa chuộng, đón nhận, thương lái đăng ký bao tiêu.

Hiện nay, gia đình anh Thuận đã có 5ha đất trồng cây mận hậu, trong đó 2,5 ha đang cho thu hoạch. Theo anh Thuận, nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình và thời tiết thuận lợi, không bị mưa đá, sương muối, sâu bệnh, mỗi năm sẽ cho thu hoạch từ 45 - 60 tấn quả, thậm chí có thể đạt 100 tấn nếu thu hoạch triệt để. Với giá bán dao động từ 15.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi năm, gia đình anh thu về hàng tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng. Vừa qua, anh Thuận đầu tư xây dựng một lò sấy để chế biến quả mận tươi thành sản phẩm sấy khô, qua đó, sẽ tận dụng tối đa nguồn củi đốt từ việc cắt tỉa cảnh mận, đồng thời, giúp anh giảm áp lực lên khâu tiêu thụ, nâng cao giá thành sản phẩm.

Để đảm bảo công việc trồng, chăm sóc, thu hoạch mận, anh Thuận thuê từ 20 - 30 lao động thời vụ và 5 - 7 lao động thường xuyên với mức thu nhập 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mộc Châu Phạm Hoàng Thiện cho hay, anh Thuận rất tích cực tham gia các phong trào của Hội, mạnh dạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Anh là tấm gương hội viên trẻ, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm. Mô hình trồng mận theo hướng hữu cơ của anh Thuận đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của Hội Nông dân thị trấn Mộc Châu.

Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất hữu cơ đang chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Do vậy, việc phát triển mô hình sản xuất mận của gia đình anh Nguyễn Đình Thuận không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo ra nông sản an toàn, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường.

Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm