Không khí đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang rộn ràng trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Tại Bình Phước, những khu dân cư biên giới từng bước vượt lên mọi khó khăn và sẵn sàng đón Tết ấm áp và đầy đủ hơn.
* Vượt khó, đón Xuân mới ấm áp
Tại Tiểu khu 119 thuộc thôn Hai Căn (xã Phú Nghĩa, huyện biên giới Bù Gia Mập), những con đường bê tông được tô điểm dọc hai bên bằng hoa chuông vàng nở vàng rực báo hiệu mùa Xuân đang đến.
Không khí Xuân rộn ràng trên mảnh đất cách đây 10 năm được bố trí cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số không có đất sản xuất, nhà ở để ổn định đời sống. Ngoài cấp nhà ở, đất sản xuất, bà con còn được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cấp cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, dạy nghề... Đến nay, hầu hết các hộ dân đã thoát nghèo, đón Tết Ất Tỵ năm 2025 đầy đủ hơn mọi năm.
Vợ chồng anh Điểu Dũng và chị Thị Ngọc là điển hình vượt khó, thoát nghèo nhanh tại khu dân cư. Theo anh Điểu Dũng, lúc mới chuyển vào đây sinh sống năm 2017, do không có việc làm nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Sau 2 năm, cả hai vợ chồng anh đều có việc làm ổn định, thu nhập mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng từ đi làm thuê cạo mủ cao su.
Anh Điểu Dũng cho biết, lúc đầu về sinh sống tại khu dân cư này ai ai cũng khó khăn. Tuy nhiên, được nhà nước hỗ trợ nhiều mặt nên cuộc sống người dân dần dần ổn định. Tết những năm trước, gia đình không mua sắm vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Thời gian qua, hai vợ chồng cố gắng làm ăn nên thu nhập khá hơn và có khoản chi phí sắm Tết.
Năm 2022, gia đình anh Điểu Dũng tiếp tục được nhà nước hỗ trợ 2 con bò sinh sản. Sau 3 năm nuôi, 2 con bò mẹ sinh sản được 5 con bò con.“Tết năm nay, gia đình tôi rất mừng vì có việc làm ổn định, đủ điều kiện sắm đồ đón năm mới”, anh Dũng phấn khởi nói.
Cũng trong tiểu khu 119, gia đình anh Nguyễn Chí Linh từng nhiều năm sống lênh đênh trên mặt nước thuộc lòng hồ thủy điện Cần Đơn. Năm 2018, gia đình anh Nguyễn Chí Linh không khỏi vui mừng khi lần đầu tiên được nhà nước cấp nhà ở tại tiểu khu 119. Từ ngày được hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, gia đình anh đã có cuộc sống ổn định hơn.
Hiện nay, gia đình anh Linh thu mua nông sản, bán tạp hóa, sửa xe máy. Thậm chí tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh còn đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, thu nhập gia đình của anh Linh đã ổn định và đón Tết vui tươi hơn.Anh Linh chia sẻ, so với năm trước, năm nay, điều kiện gia đình anh đã khá hơn. Gia đình cảm ơn các cấp chính quyền đã luôn động viên để vươn lên trong cuộc sống.
Tiểu khu 119 nay đã thay da, đổi thịt từng ngày. Những đoạn đường bê tông kiên cố, điện, trường, trạm được đầu tư khang trang. Hiện nay, khu dân cư tập trung 168 hộ, trên 70% số hộ có việc làm và thu nhập ổn định.
Trưởng thôn Hai Căn Hoàng Thanh Thao cho biết, hơn 10 năm qua, nhiều hộ đã từng bước vươn lên phát triển kinh tế. Hiện nay, hầu hết các hộ dân đã thoát nghèo. Những ngày gần Tết, chính quyền địa phương, nhà hảo tâm luôn quan tâm thăm hỏi và tặng quà động viên bà con. Người dân rất phấn khởi được chăm lo, đón một mùa Xuân mới đầy đủ hơn.
* “Tai mắt” biên giới
Sau 5 năm, khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tổ 10, ấp 3 thuộc xã Thanh Hòa (huyện biên giới Bù Đốp) từng bước thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo. Đặc biệt, những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, 51 hộ dân đã trang trí nhà cửa, trồng hoa, rau… sẵn sàng đón năm mới. Ngoài ra, người dân sinh sống tại khu vực biên giới chính là “tai mắt”, những “cột mốc sống” trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ biên giới.
Gia đình chị Thái Thị Hoàng Diệu sống tại khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới từ năm 2020. Lúc mới về đây sinh sống, mọi thứ rất lạ lẫm, đường sá đi lại khó khăn, lại xa trung tâm. Thời gian đầu, chị không có việc làm, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào chồng nên cuộc sống luôn trong tình trạng túng thiếu. Hơn 2 năm sau, khi chị Diệu có việc làm và thu nhập hằng tháng nên cuộc sống gia đình ổn định hơn. Để đón Tết, gia đình chị Diệu sửa nhà và mua sắm nhiều vật dụng hơn so với năm trước.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Trọng từ khi được bố trí tại khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đã nắm bắt được thị trường và chọn công việc phù hợp là thu mua mủ cao su. Sau 2 năm, cuộc sống gia đình chị Trọng sớm ổn định.
Chị Nguyễn Thị Trọng chia sẻ, thời gian đầu, gia đình chị về đây sinh sống còn nhiều khó khăn. Sau khi được hỗ trợ nhà ở, vợ chồng chị từng bước phát triển kinh tế. Người dân ở đây đoàn kết, ấm áp và tình cảm. Bản thân mỗi người luôn tuân thủ các quy định đảm bảo an ninh trật tự vùng biên, khi có vụ việc vi phạm pháp luật sẽ báo cho lực lượng chức năng sớm nhất.
Ông Phạm Hữu Phụ, Tổ trưởng Tổ 10, khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa cho biết, trước đây, khi mới về khu dân cư, nhiều hộ rất khó khăn. Hiện giờ cuộc sống bà con ổn định hơn nhờ Đảng, Nhà nước hỗ trợ và quan tâm.Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa Lê Văn Toàn cho biết, khu dân cư biên giới là khu đặc thù nên hằng năm, chính quyền địa phương đều thành lập các đoàn đến thăm, tặng quà, động viên bà con nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh. Hiện khu dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa đã đổi thay, người dân có việc làm và thu nhập ổn định.
Đến nay, khu dân cư biên giới đã sẵn sàng chuẩn bị đón Tết đầy đủ, vui tươi hơn các năm trước. Đặc biệt, thời gian qua, người dân rất tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ biên giới, hỗ trợ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, qua đó, góp phần tạo nên thế trận lòng dân vững chắc, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
K GỬIH