Chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ 2025 đang đến thật gần, niềm vui ngập tràn trong những ngôi nhà của đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa. Mùa Xuân này, những ngôi nhà tạm bợ đã được thay thế bằng những mái ấm vững chắc. Đây là sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, địa phương và nhà hảo tâm đối với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm 2024, Khánh Hòa đã hoàn thành xóa nhà tạm bợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực miền núi. Đặc biệt là tại 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã huy động nhiều nguồn lực để xóa nhà tạm, dột nát, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo.
Sau nhiều năm sống trong căn nhà tạm bợ, chị Rê En (thôn Suối Cát, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) đã được hỗ trợ xây mới ngôi nhà kiên cố rộng hơn 40m2. Chị Rê En vui mừng chia sẻ: "Trước đây nhà tôi chỉ là mái tranh, vách ngăn bằng lồ ô, chắp vá tạm bợ. Mỗi lần mưa to là nước dột khắp nơi, cả nhà phải dồn đồ đạc vào một góc. Cuối năm 2024, nhờ có sự hỗ trợ từ nhà nước, gia đình tôi được cấp 80 triệu đồng và vay thêm 20 triệu đồng để xây căn nhà mới trị giá 100 triệu đồng. Nhà được xây kiên cố với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách. Tôi cũng vay mượn thêm để xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm sạch sẽ. Năm nay là năm đầu tiên gia đình tôi được đón Tết trong ngôi nhà mới. Cả nhà đều vui mừng và hạnh phúc, từ gia đình khó khăn, giờ đây chúng tôi đã thoát nghèo...". Được biết, gia đình chị Rê En còn được hỗ trợ kinh phí để phát triển chăn nuôi bò, lợn, tăng gia sản xuất, hướng tới một cuộc sống ổn định hơn.
Xã miền núi Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh có hơn 94% dân số là đồng bào T’rin (một nhánh của dân tộc K’ Ho). Những năm qua, chính quyền và nhân dân trong xã nỗ lực thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND xã Giang Ly Cao Sê D thông tin, đây là một trong những xã nghèo nhất cả nước, đến cuối năm 2024 đã thoát nghèo nhưng nhiều gia đình vẫn còn ở trong nhà tạm.
Năm 2025, UBND xã tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát và tổ chức các hoạt động chăm lo Tết cho người dân. Việc sửa chữa, xây nhà cho dân đảm bảo “3 cứng” (nóc, tường, nền), giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng/hộ dân, các hộ dân huy động thêm tiền từ người thân để xây dựng nhà đảm bảo khang trang, đầy đủ hơn.
Hộ gia đình chị Cà Đa, người dân tộc T’rin, xã Giang Ly chia sẻ, trước đây gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà theo chương trình 134 vào năm 2006. Ngôi nhà khi đó nền là xi măng đơn sơ, sau gần 20 năm sử dụng đã cần phải sửa chữa nên gia đình được hỗ trợ kinh phí. Gia đình chị vay thêm 20 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh. Chị rất vui vì cả nhà được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang; được nhà nước hỗ trợ gạo và một phần kinh phí sắm Tết. Hiện nay, nhà chị đã được sửa xong, đang dọn dẹp, trang trí để đón Tết trong nhà mới.
Chủ tịch UBND xã Giang Ly Cao Sê Dy cho biết, toàn xã có 11 hộ cần được sửa chữa hoặc xây mới nhà ở, trong đó đã sửa chữa 2 căn nhà. Được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng mỗi căn nhà, các gia đình đã có thể sữa chữa tươm tất, nếu có điều kiện vay mượn thêm thì ngôi nhà sẽ khang trang và đầy đủ, tiện nghi hơn. Đặc biệt, theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhà ở cần được trang bị nhà vệ sinh sạch sẽ, góp phần nâng cao đời sống văn minh cho người dân.
UBND xã Giang Ly tập trung chăm lo Tết cho người dân, đặc biệt là đồng bào nghèo và đồng bào vùng dân tộc. Xã đã tiếp nhận hơn 500 suất quà Tết, tổng giá trị hơn 100 triệu đồng, hơn 18.700 kg gạo hỗ trợ cho các hộ khó khăn, neo đơn; đảm bảo mỗi gia đình đều có một cái Tết ấm cúng. Ngoài ra, Hội Phụ nữ xã phối hợp với nhà tài trợ, đoàn thể tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, mỗi gia đình được 2 cặp bánh. Nhờ những chia sẻ, hỗ trợ này, không khí Xuân trở nên vui tươi, đầm ấm hơn.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có 1.407 căn nhà được phê duyệt trong chương trình xóa nhà tạm, trong đó xây mới 515 căn và sửa chữa 892 căn với tổng kinh phí 57 tỷ đồng. Các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và vốn vay ngân hàng chính sách xã hội, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và phân bổ hàng chục tỷ đồng từ việc ủng hộ phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát".
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Đã có 405 căn nhà Đại đoàn kết được xây dựng với tổng kinh phí 22 tỷ đồng, trong đó có 150 căn nhà (mức hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà) cho hộ cận nghèo tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Đồng thời, từ nguồn Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh, 1,2 tỷ đồng cũng đã được phân bổ để xây dựng thêm 20 căn nhà tại huyện Khánh Vĩnh./.
Đặng Tuấn