Phó giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đang tập trung mọi nguồn lực, tích cực, khẩn trương hội chẩn toàn bệnh viện để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho 32 bệnh nhi ngộ độc thuốc diệt chuột.
Ngày 22/1, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khẩn cấp 32 bệnh nhi từ Tuyên Quang, trong đó hầu hết là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trường Tiểu học Phú Bình, thành phố Tuyên Quang. Các em nghi ngờ bị ngộ độc hóa chất. Qua mô tả hình dáng ống siro các bệnh nhi uống có đặc điểm giống hóa chất diệt chuột Trung Quốc phổ biến với hoạt chất là fluoroacetate.
Theo lời kể của các bệnh nhi, sáng 21/1, một em học sinh đã tìm thấy một túi đựng các ống nhựa chứa dung dịch màu đỏ tại khu vực đồi chè gần trường. Em này mang một ống về trường và rủ bạn cùng uống. Một số em khác cũng tò mò lấy thêm ống hóa chất từ đồi chè hoặc nhặt được trong khuôn viên trường. Loại dung dịch này có mùi thơm giống siro kẹo, khiến các em nhầm tưởng là kẹo hoặc thuốc uống.
Một phụ huynh cho biết, con gái mình, học lớp 2, chỉ uống thử 1-2 giọt vì thấy vị đắng rồi nhổ ra, nhưng vẫn xuất hiện các triệu chứng đau bụng. Một em khác uống khoảng 2 giọt dung dịch được chia từ bạn học. Về cơ bản, nhiều em chỉ uống lượng nhỏ, nhưng có 7 trường hợp uống từ 1/3 đến cả ống hóa chất. Các em xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và có nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng.
Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị cho 32 trẻ em tại hai đơn vị: Trung tâm Nhi khoa và Trung tâm Chống độc. Ngoài ra, Viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị 5 trường hợp khác. Theo kết quả xét nghiệm từ Viện Pháp Y Quốc gia, nước tiểu của các bệnh nhi đều dương tính với fluoroacetate, một chất hóa học cực độc thường được sử dụng trong các loại thuốc diệt chuột có xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngay khi các bệnh nhi được chuyển đến, Trung tâm Nhi khoa và Trung tâm Chống độc đã phối hợp huy động toàn bộ nhân lực bác sĩ và điều dưỡng để phân loại, đánh giá tình trạng từng em. Các bệnh nhi được khám tổng quát, xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm tim nhằm xác định mức độ tổn thương do chất độc gây ra. Một số trẻ được chụp cộng hưởng từ (MRI) do có dấu hiệu tổn thương não.
Đáng lo ngại, có hai trường hợp được xác định có tổn thương não và một trường hợp co giật ngay tại bệnh viện. Mặc dù tất cả các trẻ hiện tại vẫn tỉnh táo, các bác sĩ cho biết diễn biến sức khỏe cần được theo dõi sát sao trong những ngày tới.
Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa nhấn mạnh, mọi phương án điều trị đều được triển khai theo phác đồ chuẩn, với sự theo dõi liên tục để tránh bỏ sót bất kỳ nguyên nhân ngộ độc nào khác.
Trung tâm Chống độc và Trung tâm Nhi khoa đã làm việc với nhà trường để rà soát toàn bộ khu vực xung quanh trường học, thu gom các ống hóa chất còn sót lại và khuyến cáo nhập viện ngay với bất kỳ học sinh nào có nguy cơ. Đồng thời, cơ quan điều tra và chính quyền địa phương cũng được huy động để làm rõ nguồn gốc hóa chất và ngăn chặn sự tái diễn của những vụ việc tương tự.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc nhấn mạnh, ngoài việc xử lý vụ việc, các trường học cần có những biện pháp đảm bảo an toàn trước nguy cơ từ hóa chất, đặc biệt là các loại thuốc bảo vệ thực vật, ma túy, các chất độc khác. Việc giáo dục trẻ em nhận biết và tránh xa các vật dụng hoặc hóa chất lạ là rất cần thiết.
Fluoroacetate là chất độc gây nguy hiểm nghiêm trọng đến hệ thần kinh và tim mạch. Theo các chuyên gia y tế, chất này có khả năng gây co giật, tổn thương não, viêm cơ tim cấp, suy tim và loạn nhịp tim. Đặc biệt, với liều lượng lớn, chất độc này có thể dẫn đến tử vong do suy đa tạng.
Fluoroacetate, được sử dụng rộng rãi trong các loại thuốc diệt chuột từ những năm 1990, đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam trong nhiều năm. Tuy nhiên, gần đây loại hóa chất này xuất hiện trở lại dưới hình thức buôn bán bất hợp pháp trên mạng hoặc bán rong. Loại thuốc này thường được đóng gói trong các ống nhựa hoặc thủy tinh, không có nhãn mác hoặc toàn bằng chữ Trung Quốc. Với đặc tính không mùi hoặc có mùi thơm hấp dẫn, chúng dễ dàng khiến trẻ em nhầm lẫn và dùng thử.
Trước đó chưa đầy hai tháng, tại một trường mầm non ở Lai Châu, một vụ việc tương tự đã xảy ra khi nhiều trẻ ăn nhầm thuốc diệt chuột vì tưởng nhầm là kẹo. Những sự cố này không chỉ phản ánh sự thiếu kiểm soát đối với nguồn hóa chất độc hại mà còn đặt ra câu hỏi về an toàn trường học và trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Sự việc 32 trẻ ngộ độc thuốc diệt chuột tại Tuyên Quang không chỉ là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của các loại hóa chất độc hại mà còn đặt ra trách nhiệm lớn hơn trong việc quản lý, bảo vệ môi trường học đường. Việc tăng cường giám sát, giáo dục an toàn cho trẻ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hóa chất độc là cần thiết để ngăn ngừa những thảm kịch tương tự trong tương lai.
HQ