Rộn ràng phum, sóc trước thềm lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo 2017

Rộn ràng phum, sóc trước thềm lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo 2017
Đua ghe Ngo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Đua ghe Ngo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Rộn ràng không khí tập luyện 

Năm nay, lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo được tổ chức ở quy mô khu vực nên thu hút đông đảo các đội ghe trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng tham dự. Hiện nay, giải đua ghe ngo đã có 62 đội đăng ký, trong đó có 50 đội ghe nam và 12 đội ghe nữ. 

Có thể nói Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo là lễ hội được mong chờ nhất trong năm của người dân tỉnh Sóc Trăng. Song song với đó, mỗi chiếc ghe ngo còn tượng trưng cho một phum, sóc, bổn chùa. Do đó, việc tập luyện và sửa sang, đóng ghe mới đã được các chùa chuẩn bị khá sớm. Nhiều đội ghe ngo đã bắt đầu tập luyện cách đây một tháng. Năm nay, nhiều địa phương nổi lên trong phong trào ghe ngo, đăng ký 2 đội/chùa. Không khí tập luyện tại nhiều phum, sóc náo nhiệt hơn mọi năm. 

Đội ngũ vận động viên và kỹ thuật tập luyện được chuẩn bị khá chu đáo. Nhiều đội ghe ngo mời các huấn luyện viên có kinh nghiệm, giúp nhiều đội đạt giải cao về hướng dẫn tập luyện. Đội ngũ vận động viên được chọn lọc gồm những người có sức khỏe, độ dẻo dai, độ bền. 

Chùa Bưng Kok, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng có 2 đội ghe nam và nữ tham gia lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo năm 2017. Nếu như mọi năm, đội ghe nam của chùa chỉ có 40 – 50 vận động viên thì năm nay mỗi buổi tập đều có từ 70 – 90 vận động viên. Lịch tập luyện được cân bằng phù hợp với công việc của nam – nữ như: nữ tập từ 16-17 giờ, nam tập từ 17-18 giờ chiều hàng ngày. 

Anh Hoàng Lũy, huấn luyện viên đội ghe ngo chùa Bưng Kok cho biết: Năm nay, khi huấn luyện cho đội ghe ngo, huấn luyện viên  cho tập bài khó, bài tập dài hơi hơn mọi năm để đảm bảo thể lực trên đường đua cho vận động viên. Hiện nay, đội ghe ngo đã tập luyện rất tốt. Ngày 28/10, chùa sẽ hạ thủy, tập trung tập chặng nước rút cho giải đua ghe ngo. 

Ngoài chuẩn bị về tập luyện, chùa Bưng Kok còn đầu tư hơn 200 triệu đồng để đóng ghe nam mới và sơn sửa ghe Cà Hâu. Tham gia lễ hội với 1 đội ghe nam, 1 đội ghe nữ và 1 ghe Cà Hâu, người dân trong phum, sóc quyết tâm lấy giải trong lễ hội sắp tới. Tiếng còi thổi, tiếng hô, tiếng tay bơi hào hứng hừng hực khí thế, náo nhiệt vùng quê những ngày cận kề lễ hội. 

Ông Lý Bình Cang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, Phó trưởng Tiểu ban Tổ chức các hoạt động lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng lần thứ III khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 cho biết: Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội cơ bản đã hoàn tất, tạo sinh khí phấn khởi cho người dân và du khách. Theo ghi nhận, khí thế tham gia lễ hội năm nay của các đội ghe trong tỉnh rất quyết liệt. Ông tin rằng sẽ tạo nên một giải đua ghe Ngo đầy kịch tính, nhiều chặng đua gay cấn, hào hứng và nhiều yếu tố bất ngờ. 

Thơm mùi cốm dẹp

Cùng với tiếng hô hào, tiếng còi, tiếng khua mái chèo trên ghe cạn và trên sông, những ngày này, ở các cơ sở sản xuất cốm dẹp trong tỉnh Sóc Trăng lại bập bùng ánh lửa để rang cốm và người người bận bịu giã, sàng cốm dẹp.

Cốm dẹp là sản vật không thể thiếu trong lễ cúng trăng. Người dân tộc Khmer quan niệm, sau một năm làm việc vất vả, rằm tháng 10 âm lịch hàng năm là dịp để bà con cảm tạ thần mặt trăng. Trong lễ hội, bà con lấy lúa nếp rang, giã thành cốm dẹp để cúng thần mặt trăng. Quy trình làm cốm dẹp gồm nhiều khâu như: Chọn nếp, rang nếp, giã cốm, sàng và trộn cốm thành phẩm để thưởng thức. Trong đó, chọn nếp phải chọn loại còn tươi, thơm chất sữa, dài; khâu rang cốm phải đều tay để cốm chín đều; khâu giã cốm phải mạnh, chắc nhịp để hạt lúa nếp nhanh tróc vỏ. 
 
Sàng sảy cốm để chuẩn bị cốm dẹp cho mùa Lễ hội Ok Om Bok. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN
Sàng sảy cốm để chuẩn bị cốm dẹp cho mùa Lễ hội Ok Om Bok.
Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Khác với mọi năm, năm nay, các cơ sở sản xuất cốm dẹp đã đưa vào sử dụng máy móc ở khâu giã cốm và khâu rang lúa nếp. Việc đưa máy móc vào sử dụng đã giúp các cơ sở giải bài toán nhân công lao động thiếu thốn như hiện nay; số lượng cốm dẹp thành phẩm mỗi ngày cũng tăng nhiều hơn so với sản xuất cốm dẹp thủ công. 

Anh Lâm Minh Thới, cơ sở sản xuất cốm dẹp ấp Phước Qưới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Để chuẩn bị cho lễ hội, gia đình sản xuất cốm từ 3 giờ sáng tới 15 giờ chiều mỗi ngày. Trung bình, mỗi ngày gia đình anh giã 120 kg gạo nếp, tạo ra 60 kg cốm nếp thành phẩm. Gia đình cũng tìm tòi, sáng chế ra máy giã cốm và cho hiệu quả tốt. Anh Lâm mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ để một số hộ làm cốm dẹp được vay vốn, duy trì nghề truyền thống lâu đời.   

Người rang, người sàng, tiếng máy đập cốm liên hồi làm cho xóm Phước Qưới những ngày cận kề lễ hội sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn. Mùi cốm thơm thoang thoảng càng làm cho người dân háo hức, nôn nao đón chào lễ hội lớn nhất trong năm, lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo.
Hoài Thu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm