Rét kỷ lục 30 năm, băng tuyết phủ nhiều nơi

Rét kỷ lục 30 năm, băng tuyết phủ nhiều nơi
Không chỉ Lào Cai, Điện Biên có tuyết; mà Hà Nội, Quảng Ninh cũng đã bắt đầu có tuyết rơi ở một số nơi. Đợt rét với nhiệt độ xuống thấp được đánh giá là kỷ lục trong suốt 30 năm qua, đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Các cơ quan chức năng cũng đã sớm vào cuộc để chống rét và hạn chế những tác hại của giá rét.
 Tuyết phủ trắng các tỉnh miền núi phía Bắc
Đến chiều tối ngày 24/1, không chỉ tại Sa Pa, mà hiện băng tuyết đã phủ trắng các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai. Với nền nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, từ rạng sáng 24/1, tại xã Ý Tý, Dền Sáng, Ngải Thầu (huyện Bát Xát), xã Lùng Phình, thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà), huyện Si Ma Cai, thậm chí ngay cả ở xã Nậm Tha của huyện vùng thấp Văn Bàn cũng đều đã xuất hiện mưa tuyết; có chỗ tuyết đã dày tới 5 cm.
Rét kỷ lục 30 năm, băng tuyết phủ nhiều nơi ảnh 1
Người dân Điện Biên đốt lửa sưởi ấm cho gia súc. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Tại Lạng Sơn, đến trưa ngày 24/1, toàn bộ Khu du lịch Mẫu Sơn bao phủ trong băng tuyết, có nơi dày đến 10 cm. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng đã xuất hiện băng mỏng đọng trên các mái nhà. Đây là lần đầu tiên xuất hiện băng tuyết tại thành phố Lạng Sơn. Do băng tuyết rơi nhiều, tuyến đường duy nhất từ quốc lộ 4B lên Khu du lịch Mẫu Sơn đã được lực lượng chức năng huyện Lộc Bình phong tỏa, không để du khách lên - xuống, bởi đường trơn do băng tuyết bám dày, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông. Đến trưa 24/1, có khoảng hơn 200 du khách bị kẹt lại trên Khu du lịch Mẫu Sơn. 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung ương, không khí lạnh sẽ được tăng cường liên tục với cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài đến 27/1. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục duy trì rét đậm, rét hại diện rộng từ nay đến 27/1, vùng núi có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết. Độ rủi ro thiên tai ở cấp 1. 
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 23/1 đến sáng 24/1, tại các huyện Bắc Yên, Vân Hồ, Mộc Châu (tỉnh Sơn La) nhiệt độ đã hạ thấp, chỉ còn ở mức -5 độ C đến -7 độ C; mưa tuyết và băng giá phủ trắng tại nhiều khu dân cư và dọc các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tại huyện Vân Hồ (Sơn La) vào thời điểm 12 giờ trưa ngày 24/1, tuyết vẫn tiếp tục rơi tại các điểm như: Hua Tạt, Lóng Luông, Chiềng Đi. Tuyết rơi đã phủ trắng nhà cửa, đường giao thông và cây cối, hoa màu. Theo người dân địa phương, từ năm 1982 đến nay, hiện tượng mưa tuyết mới lại xảy ra ở huyện Vân Hồ. Hiện, nhiệt độ tiếp tục xuống thấp, những bông tuyết đã dày hơn, gây khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ. Trên tuyến quốc lộ 6, đoạn qua các huyện Vân Hồ, Mộc Châu mưa tuyết và sương mù xuất hiện dày đặc. Còn tại xã Tà Xùa thuộc huyện vùng cao Bắc Yên, từ sáng 24/1, nhiều khu vực đã xuất hiện băng giá phủ kín trên lá các loại cây cối, hoa màu. Đặc biệt, không chỉ các tỉnh miền núi phía Bắc có tuyết, mà tuyết cũng đã xuất hiện tại một số địa phương của Hà Nội như khu vực Ba Vì. Và với người dân Quảng Ninh, đây cũng là lần đầu tiên được thấy hiện tượng băng đá. Ông Lê Tiến Dũng, quyền Trưởng ban Quản lý Khu di tích Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), cho biết: Từ đêm 23/1, tại khu vực từ An Kỳ Sinh đến chùa Đồng của núi Yên Tử đã xuất hiện hiện tượng băng đá. Nhiệt độ ở vùng này đã xuống -3 độ C đến -5 độ C. Đặc biệt ở chùa Đồng nhiệt độ có lúc ở mức -6 độ C. Băng xuất hiện và phủ kín chùa Đồng, đọng lại trên các cành cây và các máng nước…  Cũng từ 0 giờ ngày 24/1, tại huyện miền núi Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh, lần đầu tiên đã có hiện tượng tuyết rơi. Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Tại 2 ngọn núi là Cao Xiêm (thuộc địa phận xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu), Cao Ly (thuộc địa phân xã Húc Động, huyện Bình Liêu) có độ cao trên 1000 m so với mặt nước biển, tuyết rơi với mật độ khá dày. Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu đã chỉ đạo thành lập các đoàn công tác đến từng thôn bản kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Tại một số huyện, thành phố khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh như Đầm Hà, Móng Cái nhiệt độ cũng đã giảm sâu. Các địa phương này đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho người và vật nuôi, cây trồng. Chủ động chống rét Trước tình hình giá rét kéo dài, các địa phương đang tích cực thực hiện các biện pháp chống rét cho gia súc nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra.  Tại xã Thanh Luông (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), những người dân có trâu, bò đã chủ động nhốt gia súc ở chuồng, hoặc gầm nhà sàn chứ không thả rông. Thức ăn dự trữ như cỏ, rơm được người dân lấy ra cho gia súc ăn vào những ngày này. Ngoài ra, các hộ cũng đã chủ động có các biện pháp như lót rơm rạ ở chuồng, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò. 
Rét kỷ lục 30 năm, băng tuyết phủ nhiều nơi ảnh 2
Do băng tuyết, trên QL4D, từ huyện Tam Đường (Lai Châu) đến Sa Pa (Lào Cai) người dân di chuyển rất khó khăn. Ảnh: Nguyễn Duy - TTXVN
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết, từ trước đợt rét đậm, rét hại này, Sở đã có công văn chỉ đạo tới các huyện, thị xã và thành phố về phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc; hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động gia cố, che chắn hệ thống chuồng trại phù hợp với từng loại vật nuôi để tránh gió lùa, mưa hắt, tuyệt đối không chăn thả gia súc trong những ngày giá rét này; dự trữ thức ăn và bổ sung thức ăn tinh bột nhằm đảm bảo sức đề kháng cho đàn gia súc, phòng chống các loại dịch bệnh xâm nhập; dự trữ củi khô, trấu để đốt, sưởi ấm cho gia súc. Những năm trước đây, cứ vào mùa đông nhiều hộ dân trong xã lại có trâu hoặc bò bị chết vì rét nhưng riêng gia đình ông do thực hiện tốt các biện pháp phòng chống rét cho trâu, bò nên không bị thiệt hại. Không chỉ riêng gia đình ông Phát mà hầu hết các hộ nuôi gia súc tại xã Chiềng Đen đều đã dự trữ rơm khô để làm thức ăn thường xuyên cho trâu, bò. Ngoài rơm, rạ và thức ăn tươi, bà con còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách chuẩn bị bổ sung thức ăn tinh và cho trâu, bò uống nước ấm, nước muối... để tăng sức đề kháng.
Tại Sơn La, để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, tỉnh đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật tới các hộ chăn nuôi về công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Do được cảnh báo từ trước, nên ngay từ những ngày đầu của đợt rét đậm, rét hại này, gia đình ông Lò Văn Phát, trú tại bản Tò Lọ, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La đã chuẩn bị chuồng trại để đưa đàn bò về nhốt chuồng. 
Tại tỉnh Lạng Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trên toàn tỉnh; đồng thời tuyên truyền người dân thực hiện nhiều biện pháp phòng chống rét cho vật nuôi của hộ gia đình.

Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra phòng chống đói, rét vật nuôi. Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng để người dân thực hiện các biện pháp như chuẩn bị đủ rơm, rạ, thức ăn, gia cố chuồng trại; khuyến cáo bà con nấu cháo loãng, cám, đun nước ấm cho trâu bò; không thả rông đàn gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C; khoác các vật liệu sợi giữ ấm thêm cho trâu bò, đặc biệt là bê, nghé non khi nhiệt độ xuống thấp. 

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã khẩn cấp lập các đoàn công tác cấp tỉnh, cấp huyện xuống từng xã, thôn, khe, bản để vận động, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống rét cụ thể; phải chủ động thành lập đoàn kiểm tra đi chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các kỹ thuật phòng, chống rét cho vật nuôi, cây trồng. Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố phải chuẩn bị đầy đủ vắcxin, vật tư, thuốc tiêu độc khử trùng để tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc, khử trùng; hướng dẫn tới các hộ chăn nuôi, trồng trọt thực hiện các biện pháp xây dựng, củng cố chuồng trại, tránh gió lùa, mưa phùn, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống cho gia súc và sử dụng sức kéo hợp lý, thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắcxin, vệ sinh tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch ở tất cả các xã có sản xuất nông nghiệp và bố trị nguồn ngân sách dự phòng kịp thời phục vụ cho công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
PV
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm